Đánh giá cao tiềm năng TTCK Việt Nam
Theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, Công ty đã tổ chức nhiều chuyến thăm và khảo sát thực tế Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc này nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài có được cái nhìn cận cảnh, sát thực hơn về nền kinh tế, thế mạnh của các thành phần kinh tế ở Việt Nam, đồng thời nâng cao hiểu biết về cách vận hành của thị trường chứng khoán Việt Nam, các quy định, thủ tục đầu tư đối với các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài để quyết định tham gia thị trường.
Từ năm 2014 đến nay, Maybank Kim Eng đã thu xếp thành công gần 800 buổi gặp gỡ, giới thiệu doanh nghiệp niêm yết và cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm đại diện các tổ chức, quỹ đầu tư quốc tế, khách hàng là nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài.
Trong đó, hầu hết các nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng và cơ hội đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư Thái Lan. Phần lớn nhà đầu tư cho rằng, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng giống Thái Lan 20 năm về trước.
Câu chuyện tầng lớp trung lưu trẻ tuổi, mức độ sẵn sàng tiêu dùng của Thái Lan trước đây đang được lặp lại ở Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đang cao gấp đôi so với Thái Lan (khoảng 3%).
Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Veraphong Chutipat, Giám đốc chương trình Đầu tư sáng tạo của Đại học Rangsit (Thái Lan), Trưởng đoàn khảo sát vừa sang Việt Nam đầu tháng 5 nhận xét, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường đáng quan tâm nhất để đầu tư.
“Chỉ cần làm cách nào đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới đây, họ sẽ tự động bị thuyết phục bởi các cơ hội đầu tư với tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn không nơi nào trong khu vực có được như Việt Nam”, ông Verapong nói.
Bộ phận phụ trách khối nhà đầu tư nước ngoài của Maybank Kim Eng cho biết, lượng giao dịch chứng khoán từ khách hàng Thái Lan cải thiện mạnh sau các hoạt động giới thiệu thị trường, các chuyến thăm và làm việc trực tiếp với doanh nghiệp của Công ty.
Gợi ý khơi thông dòng vốn ngoại
Thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng đang có một số “rào cản” đối với dòng vốn ngoại đổ vào thị trường. Trong đó, ngoài giới hạn về tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành nghề, thì một rào cản lớn khác nằm ở tình trạng thiếu thanh khoản ở một số cổ phiếu tốt.
“Chính vì thanh khoản thấp nên việc giao dịch trực tiếp qua sàn đối với nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn. Cách duy nhất mà nhà đầu tư có thể sở hữu những cổ phiếu tốt nhưng thanh khoản thấp là thông qua môi giới tìm kiếm nguồn hàng. Điều này làm phát sinh thêm chi phí cho nhà đầu tư”, ông Verapong nói.
Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, yếu tố thanh khoản càng trở nên quan trọng. Ông Verapong cho rằng, một trong những yếu tố để thị trường này vận hành thành công nằm ở thanh khoản của chứng khoán cơ sở. Nếu thanh khoản thấp thì việc thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường mới sẽ gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn duy trì biên độ dao động giá cổ phiếu +/-7%, trong khi tại Thái Lan, mức dao động cho phép là +/-30%. Để cải thiện thanh khoản thị trường, Việt Nam nên xem xét nâng biên độ dao dộng giá chứng khoán.
Ngoài ra, Việt Nam nên sử dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, giúp nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội sở hữu các cổ phiếu tốt nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Việt Nam có thể học tập Pakistan trong vấn đề nâng hạng thị trường
Xét trên khía cạnh vĩ mô, thông tin thị trường chứng khoán Pakistan được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay được xem là có ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi dòng vốn sẽ được phân bổ lại nhằm bổ sung cho khoảng trống của Pakistan tại nhóm thị trường cận biên. Tuy nhiên, về lâu dài, để thu hút dòng vốn ngoại mạnh mẽ với quy mô lớn hơn, Việt Nam cần phải nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, trường hợp của Pakistan là một động lực và là một ví dụ điển hình để Việt Nam có thể học tập trong vấn đề phát triển thị trường.
Theo báo cáo của MSCI, một trong những điểm mấu chốt để thị trường Việt Nam sớm được nâng hạng là phải tăng cường tính minh bạch. Hiện thông tin bằng tiếng Anh cho nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế, có sự phân biệt thông tin đối với nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư cá nhân. Vấn đề kiểm soát doanh nghiệp và kiểm soát giao dịch còn một số hạn chế nhất định, dẫn tới quyền lợi của nhà đầu tư chưa được bảo vệ sát sao. Ngoài ra, việc có nhiều sàn giao dịch chứng khoán cũng không còn phù hợp (Pakistan đã hợp nhất 3 sàn giao dịch).
“Đó là những mặt hạn chế mà Pakistan đã khắc phục được, qua đó đưa thị trường Pakistan lên nhóm thị trường mới nổi mà thị trường chứng khoán Việt Nam có thể học tập”, ông Đức nói.