Nhà đầu tư ngoại tạo sóng chuyển nhượng vốn BOT giao thông

Thị trường chuyển nhượng vốn góp tại các doanh nghiệp dự án đầu tư công trình hạ tầng BOT giao thông đang nổi sóng lớn, với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các dự án BOT do Bộ Giao thông - vận tải quản lý. Các dự án BOT do Bộ Giao thông - vận tải quản lý.

Sôi động

Công ty cổ phần FECON là nhà đầu tư mới nhất gia nhập vào thị trường chuyển nhượng vốn góp tại các dự án hạ tầng được triển khai theo hình thức BOT, đang có dấu hiệu tăng nhiệt trong khoảng một năm trở lại đây.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, FECON vừa có đơn đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng BOT Dự án đầu tư Quốc lộ 1, đoạn tránh TP. Phủ Lý và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, đoạn km215 +775 – Km235 +885 tỉnh Hà Nam (Dự án tuyến tránh Phủ Lý) tương ứng với 40% vốn điều lệ tại doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần FECON Hạ tầng (FCC).

Ông Trần Trọng Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FECON cho biết, việc thoái vốn đơn giản là thực hiện tái cấu trúc đầu tư tại doanh nghiệp này.

Một điểm rất đáng chú ý trong thương vụ M&A này là sự xuất hiện của hai nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, xin chào mua tổng cộng 20% vốn góp của FECON tại FCC. Cụ thể, Công ty đường cao tốc quốc tế Nhật Bản (JEXWAY) là cái tên khá mới, có văn phòng tại Kasmumigaseki Chiyoda-ku, Tokyo, xin nhận chuyển nhượng 3,92 triệu cổ phần, tương ứng với 14% cổ phần tại FCC.  Theo tự giới thiệu của JEXWAY, doanh nghiệp này được thành lập bởi 5 công ty đường cao tốc của Nhật Bản, chuyên đầu tư dự án tại hải ngoại.

Đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư từ 5 năm nay, Công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (NEXCO) xin mua 1,68 triệu cổ phần, tương ứng 6% cổ phần tại FCC. Phần vốn góp còn lại sẽ được FECON nhượng cho một công ty con.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT tuyến tránh Phủ Lý được khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2016 và chính thức đưa vào khai thác và thu phí kể từ 0h ngày 24/11/2016.

Nhà đầu tư ngoại tạo sóng chuyển nhượng vốn BOT giao thông ảnh 1

Công trình có tổng chiều dài 43,4 km, với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 2.046 tỷ đồng, do liên danh Công ty cổ phần FECON, Công ty cổ phần Xây dựng COTECCONS và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1)  làm nhà đầu tư. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép sử dụng trạm thu giá dịch vụ đường bộ Nam Cầu Giẽ, Quốc lộ 1 qua Hà Nam để hoàn vốn trong thời gian 15 năm 9 tháng.

Khác với thương vụ thoái vốn tại Dự án tuyến tránh Phủ Lý xuất hiện yếu tố nước ngoài, việc chuyển nhượng phần vốn tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên theo hình thức hợp đồng BOT là câu chuyện thuần túy của các nhà đầu tư nội địa.

Tại Dự án cầu vượt sông có tổng mức đầu tư lên tới 2.308 tỷ đồng, nối 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, đưa vào khai thác cách đây 2 năm, Công ty Tuấn Lộc sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp, tương đương 74% vốn điều lệ tại doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư Cổ Chiên.

Hai đối tác nội nhận phần vốn thoái của Tuấn Lộc là CIENCO 1 (nhận 23%) và Công TNHH Đầu tư phát triển cầu đường CII (nhận 51%) sẽ là những nhà đầu tư tiếp tục gánh trách nhiệm cũng như quyền thu giá dịch vụ cầu Cổ Chiên trong hơn 8 năm tới.

Ngoài 2 dự án BOT đã đưa vào khai thác nói trên, một thương vụ rất lớn khác đang chờ Bộ GTVT phê duyệt là tại Dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Phải chứng minh năng lực tài chính

Không chỉ nhắm đến quyền thu giá dịch vụ tại các dự án cầu đường đã hoàn thành, các thương vụ M&A còn xuất hiện ngay tại các dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Tại những dự án dang dở này, ngoài dòng tiền đến từ việc thu giá cầu đường, nhà đầu tư còn hướng tới nhận thầu các khối lượng xây lắp theo hình thức tự thi công, tự thực hiện.

Tại Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Thạch, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân sẽ là nhà đầu tư mới tiếp tục góp vốn vào công trình có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng này.

Được biết, các nhà đầu tư mới sẽ không tham gia trực tiếp góp vốn vào doanh nghiệp dự án, mà chấp nhận trở thành cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần Đầu tư CNC, có vốn điều lệ 143,5 tỷ đồng, được tách ra từ Công ty cổ phần Đầu tư UDIC - nhà đầu tư chính tại Dự án.

Công ty CNC sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ của UDIC tại Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Lý do khiến liên danh này phải đi đường vòng là bởi, nhà đầu tư Dự án cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đang vi phạm Hợp đồng dự án, chưa hoàn thành các nghĩa vụ theo Hợp đồng, trong đó có góp vốn chủ sở hữu, nên không thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng Dự án.

Những diễn biến tương tự cũng đang xuất hiện tại Dự án BOT Quốc lộ 53, Quốc lộ 30 khi các nhà đầu tư ban đầu đột nhiên “mất sức” không đủ khả năng góp vốn chủ sở hữu hoặc huy động vốn tín dụng theo cam kết.

Do việc chuyển nhượng đang chờ Bộ GTVT phê duyệt, nên giá giao dịch vẫn chưa được tiết lộ, nhưng việc có khá nhiều ứng viên sẵn sàng ghé vai gánh vác cũng ít nhiều cho thấy tính khả thi tài chính của bên nhận vốn trong các thương vụ M&A.

Theo Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc chuyển nhượng phần vốn tại các dự án BOT là hợp pháp, được quy định tại khoản 1, Điều 34, Nghị định số 15/2015/NĐ - CP, nhằm đảm bảo quyền định đoạt tài sản của nhà đầu tư.

“Tuy nhiên, đối với các dự án dang dở, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ cho phép nhượng quyền nếu như bên nhận chuyển nhượng chứng minh được năng lực tài chính, kinh nghiệm để theo nốt phần hợp đồng còn lại”, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu khuyến nghị.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục