Cần “nâng chuẩn” DN kinh doanh bất động sản

(ĐTCK) Tại Hội thảo "Pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản” do Trường đại học Luật TP. HCM tổ chức cuối tuần qua, khá nhiều hạn chế trong hoạt động kinh doanh bất động sản đã được mổ xẻ và góp ý, trong đó vấn đề được quan tâm nhất là sự minh bạch và dòng vốn cho thị trường.
Cần “nâng chuẩn” DN kinh doanh bất động sản

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho rằng, để đánh giá các văn bản pháp luật có đi vào thực tiễn hay chưa, cần phải nhìn nhận 3 vấn đề, đó là năng lực và tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư; cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản.

“Hiện trên địa bàn TP. HCM có hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, với khoảng 1.386 dự án phát triển nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay, gần 50% trong số này (689 dự án) đã bị ngưng thi công. Thực trạng này xuất phát từ việc, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dù không có năng lực, nhưng vẫn đi đầu tư dự án", ông Tuấn nhận định và cho rằng, việc nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp trong đầu tư dự án bất động sản là rất cần thiết.

Tuy nhiên, nâng cao năng lực doanh nghiệp như thế nào thì cần phải tính toán lại; trong đó, việc quy định vốn pháp định được xem là yếu tố cần, nhưng nên có lộ trình thực hiện và đặc biệt là phải có cơ chế giám sát, kiểm tra vốn này.

Vẫn theo ông Tuấn, năng lực doanh nghiệp chính là cơ sở để đánh giá thị trường. Chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực mới góp phần tạo sự lành mạnh và phát triển tích cực cho thị trường.

Ở góc độ nguồn vốn, Thạc sỹ Viên Thế Giang (Đại học Huế) cho rằng, thời gian qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản được thị trường hóa một cách dè dặt và trong quá trình làm luật, Việt Nam đã đi những bước đi quá thận trọng, nặng về quản lý giám sát hơn là mở rộng tự do kinh doanh theo quy luật của kinh tế thị trường. Vì vậy, Việt Nam nên mở rộng đối tượng kinh doanh bất động sản, bảo đảm quyền bình đẳng trong kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng không hạn chế như pháp luật hiện hành.

Làm được điều đó, sẽ giải quyết bài toán "khát" vốn cho thị trường, giảm được gánh nặng của Chính phủ để cứu bất động sản, tăng sức cạnh tranh và chuyên nghiệp cho thị trường bất động sản, đồng thời lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực...

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, một trong những yếu tố giúp thị trường bất động sản nâng cao tính thanh khoản hiện nay là việc mở rộng quy định cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án bất động sản. Tuy nhiên, các quy định hành chính hiện đang can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là quyền chuyển nhượng dự án bất động sản.

Ở các nước, một dự án bất động sản chỉ cần đầu tư ở giai đoạn đầu cũng được chuyển nhượng, miễn rằng có đăng ký và chịu thuế. Có những doanh nghiệp chỉ giải phóng mặt bằng xong là chuyển nhượng dự án, hoặc có những doanh nghiệp chuyên kinh doanh biệt thự, nhà hàng…, trong khi ở Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chủ yếu quy mô nhỏ, lại phải làm hết quy trình từ khâu mặt bằng, đến căn hộ hoàn chỉnh nên không đủ sức.

Theo ông Châu, Việt Nam nên cho phép nhà đầu tư được chuyển nhượng ở từng giai đoạn của dự án, có như vậy mới tạo sự sống động cho thị trường, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Vấn đề là phải minh bạch thông tin và minh bạch thủ tục.

Góp ý thêm về vấn đề này, Thạc sỹ Nguyễn Thị Kiều Oanh (Đại học Luật TP. HCM) cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn về vốn, việc chuyển nhượng dự án bất động sản được xem là giải pháp tối ưu của các nhà đầu tư. Thời gian gần đây, chuyển nhượng dự án bất động sản trở nên quen thuộc và mang lại yếu tố tích cực như sàng lọc nhà đầu tư yếu kém, giữ lại những nhà đầu tư có năng lực, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư kiếm lời, hỗ trợ thị trường bất động sản và nền kinh tế phục hồi.

Tăng Triển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục