Thị trường mất lực đỡ
Thanh khoản tuần qua duy trì ở mức trung bình, tương đương 2 tuần trước đó, cho thấy lực cầu vẫn tỏ ra thờ ơ, bất chấp việc giá của nhiều cổ phiếu đã về vùng chiết khẩu hợp lý.
Về phần khối ngoại, xu hướng bán ròng vẫn là chủ đạo trong bối cảnh tỷ giá đang dần nóng lên, điều tích cực là lực bán đã giảm chỉ còn khoảng 1.000 tỷ đồng (tuần trước đó là 2.000 tỷ đồng).
Nhóm ngân hàng nói riêng và VN30 nói chung không còn giữ vai trò trụ đỡ chính cho thị trường khi giá điều chỉnh giảm như CTG giảm 4,5%, BID giảm 5,6%, MBB giảm 4,3%, ACB giảm 4,6%. Việc các cổ phiếu “vua” không còn giữ được sức mạnh như trước có thể lý giải bằng việc giá đã về vùng hợp lý và không còn nhiều kỳ vọng sau khi thông tin về kết quả kinh doanh quý III/2024 dần lộ diện.
Chúng tôi nhận định, thị trường cần 1 phiên điều chỉnh dứt khoát hơn vào đầu tuần này, kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 1.240 điểm, sau đó mau chóng hồi phục với sự cân bằng trở lại của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng và thép đang về vùng hỗ trợ mạnh.
Áp lực từ tỷ giá tăng trở lại
Trong tháng 9/2024, nền kinh tế Mỹ cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, với việc tạo ra 254.000 việc làm phi nông nghiệp, con số cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định duy trì lãi suất ở mức cao hơn so với kỳ vọng của thị trường, tạo ra sức ép lên tỷ giá VND/USD khi đồng USD tăng mạnh, đẩy chỉ số DXY Dollar Index lên gần mức 105.
Thực tế, từ đầu tháng 10, tỷ giá USD/VND có dấu hiệu nóng trở lại, khiến nhiều người lo ngại về sức ép lên nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng liên tục trong 9 ngày, tổng cộng tăng 179 đồng/USD, lên 24.260 đồng/USD. Trong khi đó, tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, tỷ giá bán ra ngày 24/10 là 25.473 đồng/USD, tiệm cận mức đỉnh 25.500 đồng/USD của tháng 4. Điều này diễn ra trong bối cảnh đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế, với DXY Dollar Index tăng từ mức 100 cuối tháng 9 lên 104,39.
Chúng tôi cho rằng, đây chỉ là diễn biến mang tính mùa vụ do nhu cầu USD tăng cao, phục vụ hoạt động nhập khẩu cuối năm và thanh toán nợ quốc tế. Tỷ giá sẽ sớm ổn định trở lại, bởi xu hướng giảm lãi suất của Fed nhiều khả năng tiếp diễn trong thời gian tới.
Việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng 59.200 tỷ đồng qua kênh tín phiếu với lãi suất từ 3,74% đến 4% sau một thời gian dài tạm ngưng cho thấy động thái kiểm soát cung tiền và kiềm chế tỷ giá. Điều này không chỉ hỗ trợ ổn định tỷ giá, mà còn phản ánh sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế.
Nhìn chung, sự biến động của tỷ giá là đáng quan sát, nhưng nhà đầu tư cũng không nên quá lo ngại, vì bản chất thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng tương quan mạnh với tỷ giá. Với sự can thiệp kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cho rằng, VND sẽ sớm ổn định trở lại và Ngân hàng Trung ương chính sách tiền tệ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.