Theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 7289/BKHĐT - KCHTĐT gửi Bộ Giao thông - Vận tải để tham gia ý kiến về Đề án "Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không".
Chưa có cơ sở để chuyển công ty con của ACV về lại Bộ Giao thông - Vận tải
Liên quan đến định hướng phân cấp quản lý cảng hàng không cho chính quyền địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong 21 cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) quản lý, khai thác, hiện chỉ có 7 cảng hàng không hoạt động có lãi, còn lại 14 cảng hàng không hoạt động chưa có lãi.
Vì vậy, ACV đang phải thực hiện cân đối lợi nhuận từ các cảng hàng không hoạt động có lãi, bù đắp cho các cảng hàng không hoạt động chưa có lãi và vẫn phải đảm bảo hoạt động cả hệ thống 21 cảng hàng không có hiệu quả (bảo toàn và phát triển vốn).
Ngoài ra, cũng tại Đề án, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, ACV vẫn đang hoạt động có hiệu quả theo mô hình này; mô hình quản lý, khai thác cảng hàng không theo cụm (nhóm) do ACV đang thực hiện là mô hình chủ đạo của các nước trên thế giới và được đánh giá tối ưu nhất.
Trong khi đó, theo phân nhóm các cảng hàng không nêu tại Đề án, các cảng hàng không nhóm 3 như Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo... chủ yếu là các cảng hàng không nhỏ, doanh thu thấp, thu không đủ bù chi, nếu phân cấp hoàn toàn cho các địa phương quản lý sẽ khó có khả năng đảm bảo kinh phí hoạt động và đầu tư phát triển của các cảng hàng không này, cũng như không đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét cân nhắc phương án phân cấp quản lý cho phù hợp.
Cũng do các cảng hàng không thuộc nhóm 3 đang hoạt động thu không đủ bù chi, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất định hướng huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư với hình thức nhượng quyền đầu tư, khai thác là khó khả thi.
“Đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, cân nhắc phương án huy động nguồn lực theo hướng chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không thuộc sở hữu nhà nước tại 21 cảng hàng không do ACV đang quản lý hiện nay về ACV thông qua hình thức ghi tăng vốn nhà nước tại ACV; đồng thời nghiên cứu nhân rộng mô hình các địa phương tham gia góp vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không trên địa bàn như trường hợp của các cảng hàng không Cát Bi, Cam Ranh, Điện Biên, qua đó giảm nhẹ gánh nặng đầu tư của ngân sách trung ương và vốn đầu tư phát triển của ACV”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu quan điểm tại công văn số 7289.
Một điểm cấn cá khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra là đề xuất liên quan đến việc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ACV chuyển đại diện chủ sở hữu Công ty quản lý Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ cho Bộ Giao thông - Vận tải.
Do hiện nay, ACV là công ty cổ phần do Ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Theo các quy định hiện hành về quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp không quy định việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu của Công ty con thuộc sở hữu của doanh nghiệp có phần vốn góp chi phối của Nhà nước về một cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, không có cơ sở thực hiện chuyển quyền đại diện chủ sở hữu tại công ty con của ACV về Bộ Giao thông - Vận tải. Việc thực hiện chuyển quyền đại diện chủ sở hữu tại công ty con của ACV về Bộ Giao thông - Vận tải (trong trường hợp cần thiết) phải thực hiện theo phương thức chuyển nhượng có thanh toán theo quy định pháp luật về doanh nghiệp.
Đối với đề xuất giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu phương án chuyển vai trò chủ sở hữu của ACV về Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết là Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã yêu cầu khẩn trương thành lập một cơ quan chuyên trách của Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng quy định ACV là doanh nghiệp do Uỷ ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.
“Do vậy, đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải làm rõ căn cứ đề xuất nghiên cứu phương án chuyển vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại ACV từ Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Giao thông - Vận tải”, công văn số 7289 nêu rõ.
Đẩy mạnh phân cấp, xã hội hóa
Trước đó, sau gần 2 năm nghiên cứu hoàn thiện, vào cuối tháng 8/2021, Bộ Giao thông - Vận tải đã có công văn tham vấn ý kiến của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Đề án định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không (Đề án tháng 8).
Tại Đề án này, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất phân cấp quản lý các cảng hàng không thành 3 nhóm theo mức độ quan trọng của từng sân bay.
Cụ thể, nhóm 1 - các cảng hàng không quốc tế quan trọng quốc gia, vùng (gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Long Thành). Đối với các cảng hàng không này, Chính phủ sẽ thông qua Bộ Giao thông - Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục sở hữu và giao cho doanh nghiệp nhà nước là ACV quản lý, khai thác và huy động nguồn lực để đầu tư.
Nhóm 2 - các cảng hàng không đang hoạt động hỗn hợp hàng không dân dụng và quân sự với vai trò quân sự quan trọng (gồm: Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa). Đối với nhóm này, Chính phủ sẽ thông qua Bộ Giao thông - Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Quốc phòng tiếp tục sở hữu và giao ACV quản lý, khai thác và huy động nguồn lực để đầu tư.
Nhóm 3 - các cảng hàng không còn lại, gồm: Điện Biên, Nà Sản, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo. Các cảng hàng không này, Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến phân cấp cho UBND các tỉnh quản lý thông qua việc chuyển quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu các công trình tại các cảng hàng không từ cơ quan trung ương cho UBND các tỉnh có cảng hàng không trên địa bàn nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương để đầu tư phát triển các cảng hàng không.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, việc phân cấp quản lý cho địa phương đối với các cảng hàng không tại nhóm 3 chưa được quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Tuy nhiên, với tinh thần vừa làm, rút kinh nghiệm, mở rộng dần, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất thí điểm phân cấp quản lý Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cho UBND TP. Hải Phòng.
Đối với nhóm cảng hàng không số 3, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư theo hình thức đầu tư là nhượng quyền đầu tư, khai thác.
Để áp dụng mô hình nhượng quyền đầu tư, khai thác các công trình thiết yếu của cảng hàng không cần phải điều chỉnh, bổ sung Luật Quản lý sử dụng tài sản công (Điều 84, Điều 95), Luật Đầu tư theo hình thức PPP (điểm b khoản 4 Điều 70) nhằm quy định rõ hình thức đầu tư, cách thức lựa chọn nhà đầu tư nhượng quyền đầu tư, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Sau khi hoàn thiện quy định pháp luật này, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
“Sân bay Cần Thơ được chọn thí điểm là do sân bay này được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối tốt, nhà đầu tư không bị gánh nặng lớn trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, chủ yếu sẽ tập trung vào nâng cao năng lực quản trị, chỉ cần đầu tư vào những công trình dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và các công trình có giá trị gia tăng cao”, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.