Cần kiểm soát tác động của kiều hối tới tỷ giá

(ĐTCK) Theo TS. Ngô Tuấn Anh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nếu như năm 1991 chỉ có khoảng 35 triệu USD kiều hối chuyển về nước, thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 12,25 tỷ USD, với tốc độ tăng trung bình hàng năm là hơn 38%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kỳ vọng, kiều hối sẽ đạt mức kỷ lục 14 tỷ USD trong năm 2016, tăng 15% so với năm 2015 và tương đương 6,4% GDP của Việt Nam.
 
Cần kiểm soát tác động của kiều hối tới tỷ giá

Nhiều khả năng kỳ vọng này sẽ đạt được bởi chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, lượng kiều hối trên địa bàn đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ và dự kiến đến cuối năm 2016 đạt 5,7 - 5,8 tỷ USD, tăng 3% so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, lượng kiều hối về TP. HCM chiếm khoảng trên 1/3 tổng kiều hối của cả nước.

Đáng chú ý, lượng kiều hối tháng sau luôn cao hơn tháng trước, tăng so với cùng kỳ năm trước dù chính sách ngoại tệ có những thay đổi như lãi suất đồng USD tại các ngân hàng thương mại bằng 0 và lãi suất các khoản gửi ngoại tệ khác ở mức thấp,…

“Kiều hối không ngừng gia tăng đã hỗ trợ nguồn cung, tăng dự trữ ngoại tệ cho nền kinh tế, góp phần ổn định thị trường ngoại hối”, ông Minh nhấn mạnh.

Quả thực, báo cáo tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, thị trường ngoại hối trong 9 tháng đầu năm tương đối ổn định. Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại bám sát với cận trên của tỷ giá trung tâm của NHNN, dao động quanh mức 22.220  -  22.500 VND/USD. Tỷ giá thị trường tự do cũng không có nhiều biến động mạnh, theo sát diễn biến của tỷ giá chính thức.

Tính đến ngày 23/9/2016, CDS (một thước đo đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Việt Nam) và NDF (một dạng hợp đồng hối đoái kỳ hạn không chuyển nhượng, được các nhà xuất nhập khẩu sử dụng để tránh rủi ro tỷ giá) đều được điều chỉnh giảm so với đầu năm, củng cố niềm tin vào đồng nội tệ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc kiều hối tăng trưởng mạnh có thể có những tác động tới tỷ giá hối đoái thông qua các nhân tố trung gian như kiều hối làm tăng thu nhập của người nhận, từ đó tăng chi tiêu. Nếu người nhận kiều hối tăng chi tiêu cho hàng ngoại sẽ dẫn tới tăng nhập khẩu, khiến cầu ngoại tệ tăng và tác động tới tỷ giá.

Bên cạnh đó, việc thu nhập của người dân tăng lên nhờ kiều hối cũng khiến họ cắt giảm giờ làm việc, làm cung lao động giảm, từ đó chi phí sản xuất của doanh nghiệp cao hơn, khiến giá hàng nội địa tăng và trở nên đắt tương đối so với hàng ngoại nhập khẩu. Điều này khiến tăng nhu cầu nhập khẩu và ảnh hưởng tới tỷ giá.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hài, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nhằm hai mục tiêu: ổn định thị trường ngoại hối và nâng cao vị thế đồng VND. Do vậy, khi kiểm soát tác động của kiều hối tới tỷ giá, cần hướng kiều hối tới: tiêu dùng hàng hóa trong nước thay vì hàng hóa ngoại nhập; sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh thay vì trở thành nguồn thu nhập khiến người dân cắt giảm giờ lao động; trở thành nguồn dự trữ tích cực cho dự trữ ngoại hối.

Một thực tế nữa là từ đầu năm 2016, NHNN đã đưa ra cơ chế điều hành tỷ giá thả nổi có kiểm soát. Tuy nhiên, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đánh giá: “Một cơ chế tỷ giá linh hoạt hoàn toàn phải là do thị trường tự điều tiết. Trong khi đó, chính sách tỷ giá của NHNN tuy là ‘thả nổi có kiểm soát’ nhưng thiên về kiểm soát hơn là thả nổi”. Trong khi đó, chính sách tỷ giá linh hoạt hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích: giảm áp lực lạm phát, củng cố niềm tin của người dân với đồng bản tệ, tạo điều kiện phát triển thị trường ngoại hối, đồng thời hạn chế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ…

“Thông qua tỷ giá, kiều hối tác động tới giá cả trong nước, xuất nhập khẩu và việc thu hút đầu tư nước ngoài. Qua đó, tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tổng đầu tư. Vì vậy, các chính sách kiểm soát tác động của kiều hối tới tỷ giá cũng góp phần phát huy tác động của kiều hối tới hoạt động đầu tư”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hài cho biết.  

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục