Nói đến tác động của kiều hồi đến nền kinh tế - xã hội thường nhìn ở mặt tích cực, nhưng tại Hội thảo “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức ngày 29/9, các diễn giả thẳng thắn chỉ ra những mặt tiêu cực của vấn đề và song song với đó là các giải pháp được khuyến nghị…
Những mặt tiêu cực
Nhóm nghiên cứu của Ths. Trần Thị Thắng, Học viện Ngân hàng cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực, thực tế nguồn kiều hối khi đổ về Việt Nam cũng vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Cụ thể:
Áp lực gia tăng tổng phương tiện thanh toán. Thông qua gia tăng tài sản có yếu tố nước ngoài ròng, gây khó khăn cho NHNN trong việc kiểm soát tiền tệ. Mặt khác, đây là nguồn kiều hối qua các kênh không chính thức sẽ không được thu hút hoàn toàn vào hệ thống ngân hàng dẫn đến một phần kiều hối bán ra chợ đen sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, NHNN khó kiểm soát được hoàn toàn thị trường ngoại hối.
Ngoài ra, tác động ròng của kiều hối dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại hoặc làm suy giảm thặng dư thương mại. Ths. Thắng cho biết, theo lý thuyết của Keynes, tác động ròng của kiều hối đến nền kinh tế phụ thuộc vào tỷ trọng kiều hối được chi cho tiêu dùng tại mỗi quốc gia.
Tại quốc gia nhận kiều hối, với chế độ tỷ giá linh hoạt, sự gia tăng các dòng tiền vào sẽ có tác động làm tăng giá đồng bản tệ, làm tăng sức mua của đồng bản tệ, tăng cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu, khuyến khích nhập khẩu và do đó chung hòa hết các dòng tiền kiều hối chuyển vào trước đó
Còn Ths. Trần Thị Mai Hoa, Trường đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm, kiều hối làm gia tăng lạm phát. Bà Hoa phân tích, khi dòng kiều hối chảy vào Việt Nam tăng sẽ làm cho đồng nội tệ tăng giá, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Để duy trì sự ổn định của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường mua vào ngoại tệ. Với lượng kiều hối có năm lên đến gần 10% GDP thì điều đó gây ra áp lực gia tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng tổng cầu và khiến lạm phát tăng.
Hay như kiều hối làm giảm động lực lao động cũng được Ths. Hoa chỉ rõ. Trong dòng kiều hối lớn chảy vào Việt Nam, có một lượng kiều hối đáng kể được chuyển về để bù đắp, trang trải cho các khoản chi tiêu của thân nhân người di cư hay người lao động sinh sống và làm việc ở nước ngoài do điều kiện kinh tế khó khăn. Việc này có thể khiến cho người lao động ở quê nhà giảm động lực làm việc, làm việc ít hơn, nghỉ ngơi nhiều hơn và sinh ra tính ỷ lại, chờ hưởng thụ. Do đó, tổng cung lao động sẽ bị giảm và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
“Kiều hối có thể dẫn đến hiện tượng rửa tiền. Theo nhận định của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt và hoạt động thương mại, đầu tư ngày càng phát triển nên là một địa điểm lý tưởng để rửa tiền vì chuyển tiền về Việt Nam bằng con đường kiều hối rất dễ dàng và nhanh chóng”, Ths. Hoa nhấn mạnh.
Và giải pháp…
Để hạn chế những tác động ngoài mong muốn, tận dụng tính ưu việt của nguồn kiều hối, Ths. Hoa khuyến nghị, cần cởi mở, thông thoáng và tạo điều kiện hơn nữa cho kiều bào ở nước ngoài gửi tiền về giúp gia đình.
Ngoài ra, tăng cường hơn nữa niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng và ổn định giá trị đồng Việt Nam…
Còn theo khuyến nghị của TS. Hà Thị Thúy Vân, Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực con người như giáo dục và sức khỏe cộng đồng… nhằm tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước. Chẳng hạn, có thể nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia về các chính sách hướng các dòng kiều hối vào các chương trình phát triển các DN nhỏ và vừa.
GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, cần khuyến khích Việt kiều về nước để giao lưu với các cơ quan, tổ chức, hội đoàn trong nước nhằm tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, đoàn thể trong nước hình thành và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức tương ứng của Việt kiều…
“Để thực hiện thành công những giải pháp trên đây, Chính phủ cần có định hướng chung, từ đó điều phối công việc của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý đầu tư, tổ chức tín dụng, công ty tài chính phối hợp hoạt động để hướng vào những nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn”, GS. TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh.