Nhưng một khi kinh tế vĩ mô đã ổn định thì không có lý do gì chần chừ việc huy động vàng trở lại để tránh lãng phí một nguồn lực lớn. Nếu huy động vàng có hiệu quả sẽ đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực như: sử dụng vàng huy động để tăng dự trữ vàng quốc gia, để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết và để làm tài sản thế chấp vay vốn nước ngoài hoặc khi có điều kiện thuận lợi thì có thể xuất vàng thu ngoại tệ để đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn lực lớn nằm “chết” trong dân
Vàng là loại tài sản giá trị lớn, được tích trữ tại rất nhiều gia đình Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung từ bao đời nay, với quan niệm vàng đem lại sự may mắn, an tâm lâu dài cho cuộc sống. Truyền thống cất trữ vàng được củng cố trong nhiều năm chiến tranh và cả thời bình do những biến động kinh tế, lạm phát, đồng tiền mất giá... Có cầu thì tất phải có cung. Có những nhu cầu thật và những nhu cầu không thật, chỉ do đầu cơ, nhưng tất cả đều phải được đáp ứng. Từ đó đã hình thành nên một thị trường vàng, được kích thích, mua bán ngày càng sôi động, lợi nhuận tạo được do tần số giá biến động nhanh, mà giá cả vàng hoàn toàn bị chi phối bởi những nhà tư bản tài chính ngân hàng ở trời Tây. Chênh lệch giá tạo lợi nhuận có lúc rất cao, dĩ nhiên có lúc thua lỗ do tính toán sai, đủ sức cuốn người người kinh doanh, nhà nhà kinh doanh vàng.
Con số 70 tấn vàng Việt Nam tiêu thụ trong năm 2014 mà Hội đồng Vàng thế giới vừa đưa ra cũng phần nào cho thấy, mãi lực của người dân vẫn luôn có và thậm chí ở mức cao. Vì tập quán cũng như thói quen của người Việt Nam luôn xem vàng là tài sản để tích trữ. Tuy nhiên, con số này có thể không phải hoàn toàn chính xác, vì trong thời gian qua Việt Nam không nhập vàng. Như vậy, nếu một lượng vàng lớn vào Việt Nam là không loại trừ việc vàng lậu được đưa vào thị trường nội địa…, được một số DN sản xuất nữ trang trong nước mua để sản xuất, chế biến nữ trang.
Còn mãi lực và doanh thu nữ trang của thị trường nội địa trong thời gian qua có tăng, nhưng qua thăm dò các DN nữ trang lớn thì cũng chỉ vài chục tấn trong một năm, chứ không thể đến 60 - 70 tấn. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam về vàng vẫn cao. Điển hình như ngày Thần Tài đầu năm, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng và nhiều DN cho là cạn hàng.
Song thực tế, cung không thiếu, vì nếu nói bán ra vàng miếng nhiều sẽ bị “soi”, vì không có quota nhập khẩu vàng thì làm sao có nhiều để bán ra. Theo quy định hiện hành, DN kinh doanh vàng miếng chỉ được bán vàng miếng nhãn hiệu của SJC, thay vì được bán nhiều nhãn hiệu vàng miếng như trước đây. Đồng thời, phải đáp ứng đủ các điều kiện của Nghị định 24.
Thị trường vàng thời gian qua bị thu hẹp khi nhiều DN không được kinh doanh vàng miếng; SJC muốn sản xuất vàng miếng cũng phải có giấy phép của NHNN; giá vàng thế giới liên tục bất ổn thời gian qua cũng khiến nhiều người muốn chuyển đổi sang tiền đồng để hưởng lãi suất ở mức phù hợp. Tuy nhiên, nhu cầu vàng vẫn có và được xem là nơi trú ẩn an toàn khi tình hình kinh tế khó khăn, nhất là khi lạm phát cao.
Do vậy, về thương hiệu vàng, cũng không nên độc quyền một nhãn hiệu vàng SJC mà cần có thêm một vài thương hiệu khác để đáp ứng được nhu cầu thị trường. Chẳng hạn như, cần có thêm thương hiệu vàng của NHNN hay khi thị trường vàng đã được kiểm soát thì cũng cho lưu thông một số thương hiệu vàng miếng đã có tên tuổi trước đây.
Theo thống kê của NHNN, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, có khoảng 300 - 500 tấn vàng, tương đương 20 tỷ USD, đang nằm trong dân - một số vốn nhàn rỗi khổng lồ.
Quyết liệt huy động vàng trở lại
Vì thế, quan điểm nhất quán của người viết là nên nghiên cứu phương thức để huy động vàng, bởi đây là nguồn lực lớn của nền kinh tế. Do đó, nếu vì một lý do nào mà để lượng vốn này nằm bất động thì rất đáng tiếc. Đương nhiên, để huy động vàng cũng có những cái khó. Bởi chi phí huy động cao và huy động vào để làm gì cũng cần phải được nghiên cứu kỹ. Một vấn đề khác cũng được quan tâm đó chính là việc chuyển đổi chất lượng vàng phải cân nhắc. Vì sau khi huy động, nếu trả vàng lại cho người tiêu dùng thì cũng phải có sự đánh giá về độ tuổi cũng như chất lượng của vàng…
Nhưng thực tế cho thấy, phải làm sao để huy động được nguồn vàng trong dân, tạo nguồn lực cho nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần huy động vàng và đem nguồn lực này thế chấp để vay ngoại tệ nước ngoài, tăng nguồn dự trữ ngoại tệ cho quốc gia. Về chuẩn vàng thì sau khi huy động vàng sẽ được quy ra thành vàng 9999. Do đây là chuẩn vàng của quốc tế nên sau khi trả lại cho người dân cũng như quốc tế thì trả bằng vàng với chuẩn trên. Như vậy, sẽ không cần phải phụ thuộc vào giá cả của vàng, mà chủ yếu từ tỷ giá.
Quan điểm của nhiều người vẫn nghiêng về phía cần tạo lập một thị trường vàng theo cơ chế kinh tế thị trường nên sớm muộn cũng phải tính đến việc huy động vàng. Bởi nếu tạo điều kiện cho người dân có một nơi an toàn để gửi vàng và có sinh lời, dù mức sinh lời chỉ ở mức thấp thì họ vẫn tin tưởng để gửi, thay vì cất trữ ở nhà khi ngân hàng không huy động vàng như trước. Trong khi, với người tiêu dùng, họ hoàn toàn không bỏ vàng, vì đó là thói quen và tập tục đã ăn sâu trong văn hóa của người Việt, làm vật bảo đảm, giá trị của cuộc sống.
Vừa qua, sự biến động của thị trường vàng cũng có phần ảnh hưởng đến đồng tiền chung, tuy nhiên, NHNN đã kiểm soát rất tốt, đưa vào nề nếp thị trường này. Như vậy, việc triển khai giải pháp để tái huy động vàng là cần thiết để huy động được nguồn lực vốn lớn trong dân. Quan trọng là nghiên cứu giải pháp đưa ra để làm sao phù hợp với thị trường, khuyến khích người dân gửi vàng như trước, dù lãi suất người dân nhận lại ở mức thấp.
Câu chuyện huy động vàng trong dân lại được xới lên khi Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, huy động thế nào, quản lý rủi ro ra sao… vẫn đang là những câu hỏi bỏ ngỏ.
Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn mà có tới khoảng 300 - 500 tấn vàng nằm chết dí trong tủ của người dân thì quả là lãng phí. Bởi vậy, tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi các điều kiện thị trường thuận lợi. Đây là lần thứ 2 (lần thứ nhất vào đầu năm 2014), Chính phủ đã yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện giải pháp này. Như vậy cũng đủ thấy tính bức thiết của đề án trên.
Huy động cách nào để hiệu quả?
Mới đây, NHNN đã chính thức được giao nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động vàng trong dân. Tuy nhiên, chủ trương này đã và đang gặp bế tắc ở việc huy động như thế nào và làm gì với số vàng huy động được từ dân. Một giải pháp huy động và sử dụng hay được đề cập nhất và xem ra khả thi nhất đó chính là NHNN phát hành chứng chỉ huy động vàng và trả lãi cho số vàng huy động được này.
Về phương án sử dụng, NHNN sẽ giao (hoặc cho vay) số vàng này cho Bộ Tài chính để bộ này đem làm tài sản thế chấp vay nước ngoài lấy ngoại tệ về phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Sau khi ổn định trạng thái vàng của các NHTM, chúng tôi đã đề nghị NHNN nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để NHTM kinh doanh mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về Ngân hàng Trung ương, dĩ nhiên sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN và NHTM. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Lợi ích rõ ràng là huy động được một nguồn lực tài chính lớn, quan trọng trong dân thay vì để bất động, mà người dân cũng tiếp tục được sở hữu vàng, bảo đảm cuộc sống, cũng tránh được các phức tạp do huy động và kinh doanh của các NHTM. Trong từng thời điểm, NHNN trực tiếp nhập vàng để bình ổn giá, đáp ứng các yêu cầu sử dụng và sau khi đã kiểm soát được các yếu tố nhạy cảm về ngoại hối thì nên cho phép kinh doanh vàng tài khoản thay cho thị trường vàng vật chất.
Có thể huy động bằng vàng vật chất thực sự từ người dân hoặc có thể huy động vàng bằng cách phát hành chứng chỉ… Tất cả những công cụ huy động cũng như điều hành thị trường đều là của NHNN, nên việc huy động cũng như xuất, nhập khẩu là có thể điều tiết được khi giá thế giới xuất thấp thì nhập khẩu, ngược lại giá tăng cũng có thể xuất để thu USD. Tuy việc chủ trì huy động vàng là từ NHNN, nhưng để huy động được nguồn vàng cũng cần qua “cánh tay” các NHTM, vì họ có nguồn lực để huy động vàng trong dân.
Các NHTM làm theo ủy thác của NHNN như áp biên độ, lãi suất cũng như quyền lợi mà các NHTM nhận lại trong việc thực hiện huy động vàng. Bởi chỉ các NHTM có hệ thống mạng lưới rộng và nguồn nhân lực để huy động. Tuy nhiên, cũng cần có biện pháp để kiểm soát khi huy động và sử dụng nguồn vàng huy động này để đạt hiệu quả cao.
Vì thực trạng của thị trường trước đây đã phần nào cho thấy, một số ngân hàng đã huy động vàng sau đó bán ra để kiếm lời. Đến khi giá vàng tăng mạnh, các ngân hàng đã mất cân đối. Do đó, nguồn vốn huy động vàng trong dân cần được sử dụng đúng mục đích dưới sự kiểm soát của NHNN thì sẽ có lợi cho cả phía huy động và người gửi tiết kiệm vàng, tạo nên làn sóng lưu động hóa nguồn vốn của người dân khi nhu cầu vàng vẫn cao.
Việc kiểm tra chất lượng vàng trong huy động vốn cũng không quá khó, vì các NHTM có đủ cơ sở vật chất, con người để kiểm định được chất lượng nguồn vàng huy động. Tuy nhiên, việc cho vay vốn bằng vàng cũng phải cân nhắc, không nên đẩy mạnh cho vay vàng. Bởi thực tế trước đây đã cho thấy, nhiều người vay vàng không trả được nợ khi giá vàng tăng mạnh, khiến nợ xấu ngân hàng tăng.
Và kiểm soát được rủi ro
Lợi ích đem lại từ huy động vàng rất lớn, nhưng việc quản lý rủi ro của hoạt động này cũng không kém phần quan trọng. Nếu tiếp tục cho các NHTM tổ chức huy động vàng như trước đây cũng không ổn. Bởi vì có thể sẽ tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ và làm ảnh hưởng tới sự an toàn của hệ thống ngân hàng.
Bởi vậy, NHNN phải tính toán làm sao vừa quản lý được rủi ro do biến động giá vàng, vừa tạo được lòng tin để người dân yên tâm gửi vàng lâu dài. Đồng thời, sử dụng nguồn vàng huy động đúng mục đích và hiệu quả.
Trong các giải pháp huy động vàng thì có lẽ việc phát hành chứng chỉ vàng là phù hợp hơn cả. Bởi vì, vàng được gửi dưới dạng giấy tờ có giá nên khi đáo hạn người dân mới có quyền rút vàng.
Do vậy, có thể huy động nguồn lực này để đầu tư dài hạn vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội mà không lo xảy ra tình trạng người dân ồ ạt rút vàng. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều người dân tham gia hoạt động này, cần tạo ra thị trường giao dịch thứ cấp, cho phép cầm cố, thế chấp, mua bán chứng chỉ vàng.
Ngoài ra, NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước nên không thể trực tiếp đứng ra thực hiện hoạt động này mà ủy quyền cho các NHTM thực hiện với tư cách là đại lý.
Trong điều kiện giá vàng miếng SJC luôn cao hơn nhiều giá vàng quốc tế như hiện nay thì trước mắt chỉ có thể sử dụng nguồn vàng huy động để thế chấp vay ngoài tệ trên thị trường quốc tế. Với nghiệp vụ này, NHNN sẽ không lo rủi ro biến động giá vàng. Nhưng về dài hạn, NHNN cần nghiên cứu thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia để góp phần làm cho giá vàng miếng SJC biến động theo sát giá thế giới.
Vì thực tế cho thấy, tại các quốc gia có sở giao dịch vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chỉ khoảng 1 - 2 USD/ounce. Trong khi đó, các ngân hàng đại lý lại có thể thực hiện hoán đổi vàng lấy ngoại tệ thông qua các nghiệp vụ phái sinh.
Với nghiệp vụ này, rủi ro sẽ được kiểm soát, đồng thời có thể sinh lời để góp phần trả lãi gửi vàng cho người dân. Có như vậy, thì mới huy động có hiệu quả nguồn vàng trong dân phục vụ cho mục tiêu dài hạn, phát triển kinh tế - xã hội.