Đại án Tây Nguyên và rủi ro đổi tiền lấy giấy
Tháng 3/2014, từ Tây Nguyên xa xôi, tin tức về đại án đưa nhận hối lộ xảy ra tại chi nhánh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khiến dư luận không khỏi chăm chú theo dõi. VDB là một trong hai ngân hàng chính sách mà Nhà nước phải cấp bù lãi suất. Trong tình hình cân đối thu chi ngân sách khó khăn, đây là một trong những khoản đang đè nặng lên cán cân ngân sách.
Thế nhưng, Giám đốc chi nhánh Đăk Nông - Đăk Lăk của ngân hàng này, Vũ Việt Hùng, đã cho vay sai quy định hàng nghìn tỷ đồng, nhận hối lộ siêu xe và tiếp tay cho hành vi lừa đảo, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Vũ Việt Hùng (SN 1957, trú tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lăk) bị kết án về hành vi cho nhiều doanh nghiệp vay sai quy định nhiều nghìn tỷ đồng. Lợi dụng chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu với lãi suất thấp, một số doanh nghiệp đã sử dụng hồ sơ giả, hợp đồng khống làm hồ sơ vay vốn tại chi nhánh này.
Bị án Hùng đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền giải quyết hồ sơ của nhóm các doanh nghiệp này để “phải cho vay được”. Chỉ đơn cử, tại Công ty Minh Nhật, do bị án Cao Bạch Mai làm Giám đốc, đã có 1.004 tỷ đồng vốn vay ưu đãi được rót vào qua nhiều hợp đồng tín dụng. Số tiền này một phần được dùng để đảo nợ, một phần để tiêu xài cá nhân và cả hối lộ cho Vũ Việt Hùng. Công ty Nhật Tân do bị án Trần Thị Xuân làm Giám đốc đã vay được 938,5 tỷ đồng nhờ vào 64 hợp đồng xuất khẩu giả. Một số doanh nghiệp khác dễ dàng vay được số vốn khủng với lãi suất ưu đãi nhờ sự chỉ đạo của Vũ Việt Hùng.
Các giám đốc doanh nghiệp khai phải chung chi cho Vũ Việt Hùng theo phần trăm và biếu xén nhiều quà cáp có giá trị khác với tổng số tiền lên tới khoảng 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có căn cứ xác định Vũ Việt Hùng nhận hối lộ một chiếc xe BMW X6 vào năm 2009.
Vấn đề là, khi các doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ, Vũ Việt Hùng đã tiếp tay cho các giám đốc doanh nghiệp này để vay tiền các ngân hàng khác để trả nợ quá hạn tại VDB.
Cụ thể, Vũ Việt Hùng đã ký khống hợp đồng gửi tiền cho nhiều doanh nghiệp để sử dụng làm tài sản bảo đảm vay vốn các ngân hàng khác. Theo đó, VDB Đắc Lắc - Đắc Nông cam kết phong tỏa tài khoản, không giải ngân khi chưa có sự đồng ý của ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, khi tiền của các ngân hàng giải ngân về tài khoản của các công ty mở tại VDB, bị án Hùng đã chỉ đạo thu nợ ngay và làm thủ tục hủy cam kết phong tỏa.
Trong vụ án này, các đối tượng đã chiếm đoạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt của VDB Đắc Lắc - Đắc Nông hơn 430 tỷ đồng, OCB - Sở giao dịch TP. HCM 530 tỷ đồng, NamA Bank Chi nhánh Hà Nội 50 tỷ đồng.
Luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc Công ty Luật BASICO) đã gọi đây là rủi ro đổi tiền lấy giấy của các ngân hàng. Vụ án là bài học lớn cho các ngân hàng trong việc nhận tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá. Theo luật sư Hải, cơ bản, cho vay bằng cách cầm cố giấy tờ có giá như sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi là một hoạt động nghiệp vụ bình thường của ngân hàng, nhưng trong đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc cho vay với quy trình, thủ tục đã được thực hiện đầy đủ, ngân hàng phát hành xác nhận ưu tiên xử lý sổ tiết kiệm cho ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, khi khoản nợ quá hạn, ngân hàng cho vay yêu cầu xử lý sổ tiết kiệm để thu hồi nợ, thì ngân hàng phát hành cho biết, đã xử lý sổ tiết kiệm đó để thu hồi cho một khoản nợ khác mà khách hàng nợ chính ngân hàng phát hành.
Chưa kể rủi ro khách hàng làm giả xác nhận phong tỏa của ngân hàng. Ngân hàng cho vay và giải ngân mà không kiểm tra lại với ngân hàng phát hành, chỉ khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mới phát hiện xác nhận phong tỏa của ngân hàng bạn là giả.
Vụ án Nguyễn Đức Kiên và những điều đáng suy ngẫm về thị trường ngân hàng
Tháng 9/2012, đại gia nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt giữ. Kết luận điều tra, cáo trạng truy tố và quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã làm rõ 4 tội danh Nguyễn Đức Kiên bị quy kết gồm tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định.
Cùng bị xét xử với Nguyễn Đức Kiên là dàn lãnh đạo Ngân hàng ACB gồm cựu Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, Phó chủ tịch HĐQT Lê Vũ Kỳ, Phó chủ tịch HĐQT Trịnh Kim Quang, Phó chủ tịch HĐQT Phan Trung Cang, thành viên HĐQT Huỳnh Quang Tuấn.
Các bị án này bị quy kết vì đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế khi thông qua hai chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền và đầu tư cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu ACB.
Tại hai cấp xét xử, các bị cáo, các luật sư đã đưa ra nhiều quan điểm biện hộ việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền không trái với pháp luật. Bản án phúc thẩm đã đưa ra các căn cứ để bác bỏ quan điểm bào chữa, khẳng định đây là hoạt dộng trái pháp luật.
Nhưng ở góc độ khác, lời khai của các bị cáo từng là các lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng thuộc top đầu về phản ứng của thị trường trước chính sách tiền tệ cũng đáng để suy ngẫm.
Cựu CEO Lý Xuân Hải trần tình rằng, sau năm 2008, các ngân hàng thiếu thanh khoản tập trung huy động làm cho cạnh tranh lãi suất ngày càng căng thẳng, khuyến mại, hoa hồng đua nhau nở rộ. Thậm chí phải vay liên ngân hàng để trả cho tiết kiệm đến hạn.
Khi đó, ACB thừa khoảng 30 - 40.000 tỷ đồng được chuyển đổi từ hoạt động huy động vàng và một phần trong số này được ACB đưa lên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước lại ban hành quy định không cho phép sử dụng vốn vay liên ngân hàng để cho vay và chỉ được sử dụng 80% vốn huy động dân cư để cho vay.
Thị trường liên ngân hàng bị mất tác dụng, các ngân hàng có hai lựa chọn: giảm cho vay hoặc tăng huy động, nhưng cho vay thì phải đến kỳ hạn mới thu hồi được, nên ngân hàng chỉ có cách tăng huy động.
Cũng thời điểm cuối 2009 - đầu năm 2010, lạm phát quay lại, Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ, tổng cung tiền không tăng. Thành ra, tiền huy động về bản chất là dân mang từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Cạnh tranh lãi suất huy động giữa các ngân hàng càng nóng. Ngân hàng đối mặt với rủi ro rất lớn, dân gửi tiền theo ngày, tuần, tháng, nhưng ngân hàng cho vay theo năm. Ngân hàng mất cân đối toàn diện. Lãi suất tăng vọt. Tình trạng này khiến các ngân hàng dù không thiếu tiền huy động cũng buộc phải tăng lãi suất theo, nhằm tránh người dân rút tiền gửi sang ngân hàng khác.
Trong bối cảnh đó, ACB - một ngân hàng thừa tiền mà không cho vay được, đã ủy thác cho các nhân viên đứng tên gửi tiền vào Vietinbank để hưởng chênh lệch lãi suất, khuyến mại, hoa hồng.
Về bản chất, đúng là tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, nhưng các bị cáo cho rằng, đó là sự bất đắc dĩ bởi Ngân hàng Nhà nước “đóng” thị trường liên ngân hàng thì mới có sự biến tướng này.
Tất nhiên, Tòa án không chấp nhận lời bào chữa đó, bởi không thể lấy hoàn cảnh để biện minh cho hành động của các bị cáo. Nếu ACB không muốn chịu rủi ro thừa tiền mà không cho vay được, thì có thể giảm lãi suất, giảm huy động.
Siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như và cuộc tranh cãi về trách nhiệm pháp nhân
Sinh năm 1975, người phụ nữ có tên Huỳnh Thị Huyền Như chắc chắn đã ghi dấu ấn sâu sắc trong ngành ngân hàng khi gây ra một vụ lừa đảo với số tiền khổng lồ gần 4.000 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm của vụ án dài tới 158 trang với nhiều bị cáo, bị hại, cá nhân, pháp nhân có liên quan; nhiều quan điểm gỡ tội cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro Vietinbank - Chi nhánh TP. HCM, suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Huyền Như luôn thống nhất lời khai rằng, có chủ định lừa đảo chính những khách hàng của Vietinbank mà không phải là gian dối để lấy tiền của Vietinbank.
Trong phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm của vụ án Huyền Như cũng như vụ án bầu Kiên, Huyền Như bình tĩnh thừa nhận do kinh doanh thua lỗ, phải trả lãi suất cao, nên Như mới tính cách lừa đảo lấy tiền trả nợ.
Vietinbank phủ nhận toàn bộ trách nhiệm trước các khách hàng đã gửi tổng cộng gần 5.000 tỷ đồng vào Vietinbank và sau đó bị Huyền Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Ngân hàng này cho rằng, tiền của khách hàng trong tài khoản tiền gửi không thuộc trách nhiệm quản lý của ngân hàng, mà thuộc trách nhiệm quản lý của khách hàng. Tiền mất khách hàng phải chịu, ngân hàng không có trách nhiệm.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Vietinbank được xác định là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tức là vô can trước thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng của các khách hàng. Trước hàng loạt đề nghị xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank, Tòa cấp sơ thẩm nhận định, Huyền Như chiếm đoạt trực tiếp tiền của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân vì Huyền Như thừa biết nếu chiếm đoạt tiền của Vietinbank sự việc sẽ bị phát hiện ngay. Vietinbank chỉ là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không phải nguyên đơn dân sự, bên pháp nhân bị thiệt hại bởi hành vi phạm tội.
Cho đến khi bài báo này lên khuôn, vụ án Huyền Như vẫn chưa có phán quyết phúc thẩm. Cuộc tranh luận của các luật sư bảo vệ quyền lợi các đơn vị trước tòa đặt lên nhiều suy ngẫm những ngày cuối năm 2014. Bài học nào sẽ được rút ra sau câu chuyện này và cái giá nào mà các cá nhân, pháp nhân sẽ phải trả?