Sáng 15/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp công bố Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020”.
Nghiên cứu được đưa ra dựa trên kết quả phản hổi từ 3.657 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tổng hợp đánh giá của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu trong năm vừa qua, đồng thời phản ánh các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tới các bộ, ngành sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập khẩu.
Dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu từ đầu năm 2020 tới nay, song xuất nhập khẩu vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam đạt 545,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.
“Những con số này cho thấy nỗ lực phi thường của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong dịch bệnh. Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định.
Theo kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu, mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu trong năm vừa qua có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước.
Cụ thể, thông tin về chính sách và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn, việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan cũng thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp. “Những chuyển biến tích cực được doanh nghiệp ghi nhận việc khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá, hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho hay.
Tuy nhiên, kết quả báo cáo cũng cho thấy còn khoảng 38% doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính. Trong đó, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn hơn các nhóm khác.
Một số cải cách lớn của cơ quan Hải quan trong thời gian gần đây cũng được các doanh nghiệp ghi nhận như giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động…
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao hơn về chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức Hải quan so với những năm trước. Mức độ thực hiện kỷ cương, tác phong làm việc và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức Hải quan đều có những chuyển động tích cực. Công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành vốn trước đây có nhiều phàn nàn của các doanh nghiệp, thì trong khảo sát 2020 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cũng đã giảm bớt. Một mặt, thể hiện nhận thức của doanh nghiệp trong kinh doanh liêm chính cũng đã có chuyển biến. Mặt khác, cũng thể hiện những nỗ lực của Cơ quan Hải quan và các bộ, ngành khác trong công tác chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Dù vậy, Báo cáo này cho thấy còn rất nhiều việc cơ quan Hải quan và các Bộ, ngành khác cần tích cực triển khai trong thời gian tới để tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp còn lo ngại về vấn đề quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi, các quy định thiếu nhất quán và sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó là gánh nặng tuân thủ thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn khá lớn, trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều…
Đưa ra một số đề xuất với các cơ quan hải quan, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan với tính ổn định, nhất quán, khả thi, minh bạch và dễ tiếp cận, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, cần hướng đến thực hiện thủ tục qua mạng internet một cách hoàn toàn thay vì vừa làm trên giấy, vừa làm trên mạng như hiện nay. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế giám sát kỷ cương hành chính, công vụ và minh bạch trong xử lý cán bộ vi phạm, có các cơ chế hiệu quả để doanh nghiệp kiến nghị và khiếu nại hành vi gây phiền hà.
Ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp và kiến nghị từ nhóm nghiên cứu, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, báo cáo lần này cho thấy các chỉ tiêu đều được cải thiện so với đợt khảo sát năm 2018. “Tuy nhiên cũng có những chỉ tiêu ‘chưa được vui lắm’, liên quan đến phân loại hàng hóa HS, trị giá hải quan”, ông Cường nói.
Ông Cường cho biết, cơ quan hải quan đã nhận thức, đã thấy, đã và đang từng bước khắc phục. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến nhiều bộ ngành. “Chưa nước nào có biểu thuế xuất khẩu nhập phức tạp như của Việt Nam. Chúng ta đang hướng đến đơn giản mức thuế suất”, ông Cường cho hay và nhấn mạnh, các cơ quan hải quan sẽ tiếp tục cải thiện, cải tiến hơn nữa để doanh nghiệp ngày càng hài lòng.