1. Trong chung cư nghỉ dưỡng ngoài biển của gia đình tôi, có khá nhiều ông bà chủ ở các tỉnh thành xa, chỉ thỉnh thoảng rảnh rỗi mới về chơi. Căn hộ để vừa uổng phí, vừa không có hơi người dễ xuống cấp nên họ kết hợp cho thuê homestay.
Có nhiều nhóm kinh doanh mô hình này vô cùng. Vào thời gian cao điểm mùa Hè, tôi thấy họ đứng ngồi la liệt ở trong sảnh, hoặc tất bật đón - dẫn khách lên phòng.
Không rõ công việc kinh doanh này mang lại lợi nhuận ra sao, chỉ biết chị hàng xóm khoe trước đây thuê gần 20 căn hộ. Việc làm ăn đang suôn sẻ, tốt đẹp thì đùng một cái dịch bệnh ập tới.
Đợt dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm, nhiều người không thể chịu nổi tiền thuê phải “bỏ của chạy lấy người” khi lượng khách thưa thớt. Rồi mới đây lấy lý do dịch bệnh, ban quản lý chung cư lại chỉ đồng ý cho chủ nhà… đến chính ngôi nhà họ bỏ tiền ra mua, còn người thân thì cũng không được vào nhà, kể cả đó là vợ - chồng - con cái, nếu những người này không có tên chung trong sổ hộ khẩu. Chuyện bi hài, ấu trĩ và tư duy quản lý ấy, có lẽ tôi sẽ bàn thêm ở lần trà dư tửu hậu khác cho đầy đủ hơn. Vì nó thể hiện quá nhiều sự kỳ quặc khi kinh tế - xã hội phát triển đạt ngưỡng tới sự kết nối toàn cầu 4.0 rồi, thì vẫn tồn tại tư duy kiểm soát con người qua sổ hộ khẩu, đúng là chỉ dừng lại ở mức 1.0. Và lưu ý, địa phương này chưa ghi nhận bất cứ ca nghi nhiễm bệnh nào.
Vào cuối tháng 6 vừa rồi, tôi trở về căn hộ chơi thì gặp cậu em kinh doanh homestay đang lăm lăm cầm 2 chiếc điện thoại, như cầm súng trực chiến.
Cậu nói, em đang bận lắm chị ạ, khách đặt ở nhiều, khắp nơi đổ về đông nghẹt ngoài bãi biển kìa chị. Các căn 2 - 3 phòng ngủ cho thuê hết sạch rồi. Có căn 1 phòng ngủ khách đặt ở 3 ngày, có chuyện rất lạ, em muốn kể chuyện chị nghe.
Tôi chỉ kịp nói chúc mừng em nhé, thì điện thoại của cậu đổ chuông. Đành vẫy tay chào tạm biệt.
Những ngày này, thì tình hình dịch bệnh lại căng thẳng. Chung cư không cho phép kinh doanh homestay nữa, thì cậu em kia thất nghiệp. Cậu điện thoại buôn dưa lê bán dưa hấu vì quá rảnh rang.
“Căn 1 phòng ngủ em cho thuê khi gặp chị lúc đó, có cặp đôi tới ở vài ngày để nghỉ dưỡng. Mà họ nói có cả tài xế theo, nên xin tấm nệm để bác tài ngủ. Em thấy anh chị đang thời kỳ yêu nhau mặn nồng, vì cử chỉ thân mật quấn quýt lắm. Nếu họ ở căn 1 phòng ngủ, thì không có tiện cho sinh hoạt, vì có bác tài ngủ ngay ở phòng khách rồi. Nhà vệ sinh thì chung nhau, lại càng bất tiện cho cô gái. Mà hướng dẫn họ qua chỗ khác thuê căn 2 phòng ngủ, thì không chịu, lại còn la em vì sao không muốn nhận khách. Làm homestay lắm chuyện kỳ khôi chị ơi!”, cậu em chia sẻ.
Nghe xong câu chuyện, tôi thấy kinh doanh mà có tâm thì đôi khi cũng rất khổ tâm!
2. Căn hộ 1 phòng ngủ, trong mỗi dự án, thường là sự lựa chọn dành cho gia đình ít người. Lý tưởng nhất là gia chủ độc thân, hoặc vợ chồng trẻ. Khi sinh con rồi, phát sinh thêm ông bà ngoại, ông bà nội tới coi cháu dùm, hoặc thuê người giữ trẻ, thì mô hình này không còn phù hợp.
Kết cấu của căn hộ một phòng ngủ đương nhiên nhà vệ sinh luôn ở phía ngoài, để phù hợp cho sinh hoạt. Ngồi chơi ở phòng khách, cần sử dụng nhà vệ sinh, phải băng qua phòng ngủ thì quá bất tiện. Và tất nhiên, căn hộ một phòng ngủ không có nghĩa là không có khách tới chơi. Những sự riêng tư của căn một phòng ngủ sẽ bị phá vỡ hoàn toàn bởi công năng đặc thù của sản phẩm. Người nào ở trong căn hộ như vậy cũng cảm thấy không thoải mái.
Nên, nghe câu chuyện của cậu em kinh doanh homestay kia, tôi hiểu được sự nhạy cảm và chu toàn của cậu với khách. Với những người tinh tế, thì sẽ không đưa bản thân và người khác vào hoàn cảnh khó xử. Đôi khi, thuê hay mua căn một phòng ngủ, chỉ vì nó rẻ hơn căn 2 hoặc 3 phòng ngủ. Việc này rất đồng ý. Nhưng, cứ cố gắng cho thêm nhiều người vào ở trong căn 1 phòng ngủ, thì đúng là cũng kiểu “cố đấm ăn xôi”. Khó đủ kiểu, người ơi!