Cần hết sức hạn chế cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) bày tỏ quan điểm khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 14/11.
Quan điểm này gần với ý kiến của một số vị đại biểu đã đăng đàn, nhưng lại rất khác với một số vị cũng đã phát biểu trước đó.
Ông Thịnh nói, thực tiễn cho thấy, việc duy trì cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã tạo ra sự mất công bằng giữa những người có đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi với người được thỏa thuận; giữa những người có đất trong cùng 1 dự án thỏa thuận.
Cơ chế này cũng khiến cho các dự án thuộc diện thỏa thuận không có thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng, khiến nhiều dự án dở dang, bỏ đất hoang hóa, ảnh hưỏng rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, đại biểu Thịnh nhìn nhận
"Cơ chế thỏa thuận đã tạo ra những điều vô lý, mất công bằng xã hội như khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án lợi ích quốc gia thì giá thấp hơn hàng chục, thậm chí đến 100 lần so với các dự án thỏa thuận; hoặc người đồng ý chuyển nhượng sau cùng lại nhận được giá trị thỏa thuận cao hơn những người đồng ý trước", vị đại biểu Bắc Giang nhấn mạnh.
Việc hạn chế các dự án thuộc danh mục Nhà nước thu hồi đất và mở rộng cơ chế thoả thuận chắc chắn sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước, giảm hiệu quả sử dụng đất. Từ nhận định này, đại biểu Thịnh đề nghị, không chỉ danh mục các dự án đã nêu tại Điều 86 trong dự thảo mà toàn bộ nội dung của Điều 62, Luật Đất đai 2013 cần được giữ nguyên và bổ sung thêm, trong đó có các dự án kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa.
"Danh mục các dự án Nhà nước thu hồi đất theo Điều 62 Luật 2013 là rất xác đáng, nhưng nay theo Điều 86 dự thảo Luật thì vẫn có nhiều dự án chưa được đưa vào, đơn cử như dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; công trình thu gom, xử lý chất thải; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt đầu mối; nhà máy điện trong quy hoạch do doanh nghiệp (gồm cả nhà nước và ngoài nhà nước) thực hiện", ông Thịnh nhận xét.
Ngoài ra, để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án thỏa thuận theo Luật Đất đai 2013, đại biểu Bắc Giang đề nghị dự thảo bổ sung thêm trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án thuộc diện thỏa thuận mà đã đạt 80% về diện tích.
Ông Thịnh khẳng định điều này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 18-NQ/TW của BCH Trung ương 5, khóa XIII đã khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân có đất nông nghiệp thu hồi, hạn chế thất thoát, tạo lập công bằng xã hội trong giao đất, cho thuê đất sau khi Nhà nước thu hồi thì cần rà soát nâng mức bồi thường, hỗ trợ cho người dân cho phù hợp; đồng thời thực hiện triệt để việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá công khai, minh bạch, đại biểu Thịnh đề nghị.
Cũng đề cập việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nói, xuất phát từ yêu cầu của nghị quyết Hội nghị Trung ương thì phải thực hiện phương án nhà nước đứng ra thu hồi, giải tỏa, đền bù để thúc đẩy cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng các ngành kinh tế và các doanh nghiệp chủ lực trong nền kinh tế để có thể tạo ra nhiều việc làm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách và tạo ra những thương hiệu hàng hóa, sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
"Rõ ràng các dự án phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu quy hoạch nằm trong những lĩnh vực được khuyến khích, dù có nhằm cho lợi ích cụ thể của doanh nghiệp là lợi nhuận nhưng vẫn nhằm cho lợi ích quốc gia. Cho nên không thể nói một doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều, phát triển trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng chỉ có lợi ích của riêng họ, mà chính sự phát triển của những dự án đó sẽ nâng cao năng lực và nâng cao tiềm năng phát triển của tất cả các địa phương và của cả nước này. Cho nên rất khó nói rằng 1 doanh nghiệp hoạt động tốt, tạo ra năng lực cạnh tranh cao lại không có đóng góp cho sự phát triển quốc gia, công cộng", ông Lộc phân tích.
Chính vì vậy, đại biểu Lộc thể hiện đồng ý với cách tiếp cận của dự luật trong Điều 86 đã bổ sung rất nhiều lĩnh vực vào các dự án mà Nhà nước cần phải giải tỏa, đền bù.
Nhưng, theo đại biểu thì vẫn còn thiếu, cần bổ sung các công trình văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, các dự án cho giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế,...
Đối với vấn đề này, ông Lộc cho rằng có 2 cách xử lý. Một là quy định luôn các lĩnh vực cần thu hồi đất trong luật này, hai là giao cho Chính phủ quy định bảng danh mục cho phù hợp với từng giai đoạn.