Việc cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình mà thiếu thông tin thành viên đang làm khó các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn quy định chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không có quy định về cách xác định thành viên hộ gia đình, gây nhiều khó khăn cho các ngân hàng.

Sau gần 8 năm tổ chức thi hành, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại. Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với phát triển kinh tế thị trường để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, tại dự thảo gần nhất, các tổ chức tín dụng phản ánh vẫn còn rất nhiều ý kiến vướng mắc cần được cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu trao đổi, làm rõ.

Tại buổi Toạ đàm góp ý dự thảo luật đất đai (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng ngày 14/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói: “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động lớn đối với hoạt động ngân hàng nên Hiệp hội Ngân hàng đã có Công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý đối với dự thảo Luật, trong đó Hiệp hội Ngân hàng đã tập hợp hàng trăm ý kiến góp ý của các tổ chức tín dụng”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Tọa đàm

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Tọa đàm

Trao đổi tại toạ đàm, bên cạnh những góp ý chung là rất nhiều góp ý cụ thể đối với dự thảo Luật liên quan đến vấn đề người sử dụng đất (Điều 6); Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 13), Về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai (Điều 26), Về quyền của công dân đối với đất đai (Điều 32), Về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 36), Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê (Điều 43)…

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng trong phần thảo luận đều cho rằng, việc cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình đang làm khó ngành ngân hàng. Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, qua rà soát sơ bộ dự thảo Luật nhận thấy, dự thảo Luật hiện mới chỉ có quy định về xác định thành viên của hộ gia đình, về quyền, nghĩa vụ của hộ gia đình sử dụng đất mà chưa có cơ chế pháp lý cụ thể, rõ ràng trong xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Tuấn Minh, Chánh văn phòng HĐQT Techcombank cho rằng, dự thảo Luật vẫn quy định chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Song Luật lại không có quy định về cách xác định thành viên hộ gia đình.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm.

“Đây tiếp tục là vướng mắc rất lớn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Thực tế thời gian qua đã phát sinh rất nhiều vụ tranh chấp kéo dài (thường do xác định thiếu thành viên hộ gia đình ký hợp đồng thế chấp), dẫn đến Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu”, đại diện ngân hàng Techcombank nói.

Đại diện Agribank chia sẻ, việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên đại diện hộ gia đình làm phát sinh nhiều tranh chấp liên quan tới hoạt động cấp tín dụng, nhận thế chấp của các tổ chức tín dụng (TCTD). Xét về bản chất, đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình là tài sản chung hợp nhất của các thành viên trong hộ gia đình. Do vậy, khi thực hiện giao dịch đối với thửa đất, phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ gia đình.

“Tuy nhiên, khi các TCTD nhận thế chấp thửa đất có Giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình khó có thể xác định được các thành viên trong gia đình gồm những ai, có đồng ý với giao dịch hay không”, đại diện Agribank cho biết.

Do đó, đại diện Agribank đề xuất sửa đổi khoản 5, Điều 153 Dự thảo theo hướng không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên đại diện hộ gia đình. Đối với thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì chỉ cấp một Giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận. Đối với các trường hợp đăng ký biến động đất đai thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình sau thời điểm Luật này có hiệu lực thì phải thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu mới và ghi đủ tên thành viên hộ gia đình.

Cũng góp ý về vấn đề chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình theo quy định tại khoản 33 Điều 3, đại diện Bac A Bank cho rằng, cần có hướng dẫn rõ hơn về cơ quan có thẩm quyền xác nhận thành viên hộ gia đình sử dụng đất.

“Về vấn đề này, theo chúng tôi, cần bổ sung cơ chế pháp lý xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất. Trường hợp không có cơ chế pháp lý khác với cơ chế pháp lý về xác định hộ gia đình trong quan hệ dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự thì cần phải dẫn chiếu áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự để đảm bảo minh bạch, thống nhất trong quy định pháp luật và trong thi hành, áp dụng pháp luật”, đại diện các ngân hàng đề xuất.

Trước những ý kiến của các TCTD, bà Phạm Thị Thịnh, Phó cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cụm từ “hộ gia đình” lần nào cũng xuất hiện trong những buổi toạ đàm về Luật Đất đai. Tuy nhiên, điều này có tính lịch sử rất khó để thay đổi.

“Trong Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cố gắng khắc phục tồn tại theo hướng cá thể hoá, nhưng tất nhiên phải có lộ trình chứ không thể thay đổi lập tức ngay được. Bởi nếu làm quá ấn tượng thì lại không thể triển khai pháp luật trong thực tiễn được”, bà Thịnh nói.

Ông Hùng hy vọng, qua buổi Tọa đàm này, cơ quan soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe được trực tiếp các ý kiến góp ý, các khó khăn, vướng mắc của các TCTD để xem xét ghi nhận soạn thảo Luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật liên quan và phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục