Cần giảm tiếp lãi suất điều hành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất cho vay giảm chậm, đang có những kiến nghị về việc giảm tiếp lãi suất điều hành.

Lãi suất huy động giảm 0,5 - 2%/năm

Lãi suất huy động vài tháng gần đây có diễn biến giảm, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4/2023. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm 2023, lãi suất huy động được các ngân hàng niêm yết hiện có mức giảm từ 0,5 - 2%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD chậm lại, thanh khoản cải thiện, cơ quan này đang đánh giá các điều kiện, nếu được sẽ giảm thêm lãi suất điều hành. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, về cơ bản, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng hiện tại là 6,3%/năm, giảm 0,18%/năm; lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 9,3%/năm, giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022.

Hiện Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng tối đa là 4,5%/năm, nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn, giảm chi phí vốn vay, tăng khả năng tiếp cận vốn vay theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế với lãi suất hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ giảm thêm.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ hạ về mức 7%/năm trong năm 2023 và Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Fed đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm nay.

Thực tế, lãi suất cho vay hiện có mức giảm thấp so với mức giảm của lãi suất huy động, ngoại trừ nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, khiến không ít doanh nghiệp cần vốn chịu áp lực về lãi suất.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, với lãi suất cho vay quanh mức 10%/năm, doanh nghiệp khó có thể phục hồi. Vì thế, bà Chi kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% trong tháng 5 này để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng năm 2022 là 3,5%, cao hơn mức 3,2% năm 2021. Năm 2023, NIM các ngân hàng có thể sẽ quay về mức của năm 2021. Năm nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều yêu cầu giảm lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các gói cho vay ưu đãi lãi suất nhằm kích cầu tín dụng.

Giảm lãi suất cho vay cần có… độ trễ

Lý giải về việc lãi suất cho vay hiện còn cao, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,3%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Sau dịch Covid-19, kinh tế phục hồi nên nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để cung ứng vốn cho nền kinh tế. Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167.000 tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) bằng VND ở mức 101,4%, giảm nhẹ so với mức 102,3% cuối năm 2022.

Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống), nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung và dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung và dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động.

Bên cạnh đó, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên biến động thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh, mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước. Mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và duy trì ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023. Các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ…

Ngoài ra, áp lực lạm phát trong nước cũng ảnh hưởng tới lãi suất. Lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ở mức 3,84%, lạm phát cơ bản ở mức 4,9%, trong khi mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%.

Áp lực lạm phát cả hiện hữu và tiềm ẩn khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên các tổ chức tín dụng khó giảm lãi suất huy động, khiến chi phí đầu vào của tổ chức tín dụng ở mức cao. Vì thế, huy động vốn toàn ngành đến ngày 27/4/2023 chỉ tăng 1,78%, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng là 3,04%, từ đó lãi suất cho vay cũng khó giảm.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Chí Quang cho hay, lãi suất cho vay trên thị trường giảm chậm do có độ trễ của chính sách, vì các tổ chức tín dụng trước đó đều huy động với lãi suất cao và mỗi ngân hàng có mức giảm lãi suất khác nhau tùy thuộc vào giá vốn huy động đầu vào, năng lực tài chính của từng ngân hàng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, Ngân hàng nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, đồng thời miễn và giảm một số loại phí. Tuy nhiên, lãi suất không thể hỗ trợ hoàn toàn cho nền kinh tế trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và các doanh nghiệp cũng đang gặp vướng mắc về pháp lý, nên cần doanh nghiệp chia sẻ với ngành ngân hàng. Bởi lẽ, khi Fed và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất, thì Ngân hàng Nhà nước vẫn hạ lãi suất điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, bên cạnh các chính sách hỗ trợ khác.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn, tức là tổ chức tín dụng chưa thu nợ khi đến hạn, trong khi tổ chức tín dụng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, nên gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất. Đồng thời, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế…, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các mức lãi suất điều hành dẫn đến việc tổ chức tín dụng điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất tiền gửi, thì tổ chức tín dụng tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn khoản vay, hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, thời gian tới, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục