Cần cú hích mới cho đầu tư dự án điện

0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư vào ngành điện dù thu hút được nhiều sự quan tâm và chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng việc kém sôi động trong 3 năm trở lại đây có nguy cơ tạo ra hiệu ứng domino về lâu dài.
Doanh nghiệp rất mong có cơ chế rõ ràng để đầu tư ngành điện. Trong ảnh: Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4 (Đồng Nai) Doanh nghiệp rất mong có cơ chế rõ ràng để đầu tư ngành điện. Trong ảnh: Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4 (Đồng Nai)

Tư nhân chờ

Sau 24 tháng kể từ ngày Quyết định 21/QĐ-BCT về khung giá điện cho các dự án điện chuyển tiếp được ban hành, tới nay vẫn chưa có dự án nào trong số 85 dự án điện này chính thức ký được Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Dẫu vậy, cũng có 3 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã đàm phán xong các điều khoản và được Công ty Mua bán điện (EPTC) trình lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và cao hơn nữa là Cục Điều tiết điện lực (ERAV) để xem xét trước khi chính thức ký.

Phía bên mua điện cũng cho biết, đang khẩn trương đàm phán với các dự án đã đủ hồ sơ và thời gian tới, số lượng các dự án về đích trong đàm phán chắc chắn sẽ nhiều hơn.

Được biết, tới nay có 26 dự án đã đủ hồ sơ trong tổng số 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Cũng trong thời gian chưa có PPA, các dự án chuyển tiếp đã vào phát điện vẫn đang nhận tiền bằng 50% khung giá của Quyết định 21/QĐ-BCT.

Một số nhà đầu tư có dự án điện chuyển tiếp cho biết, thời gian đàm phán giá điện quá lâu, tới hơn 1 năm mà vẫn chưa xong, nên rất nản lòng.

“Dự án đã phát điện và có rất nhiều áp lực phải trả nợ vay, các chi phí để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ nhận được 50% tiền, chưa kể khung giá bán điện của các dự án chuyển tiếp này cũng khá thấp, lại không quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ, nên các ngân hàng ngoại và quỹ ngoại cũng không quan tâm”, một nhà đầu tư cho hay.

Các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp khó vì chưa đàm phán xong PPA, nhưng vẫn còn có khung giá để nhìn vào, đối với các dự án năng lượng tái tạo mới tinh sẽ phải ngồi chờ khung giá mua bán điện được ban hành mới có thể tính toán được cơ hội đến đâu.

Các nguồn tin cũng cho hay, sau khi Luật Điện lực (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, sẽ có các khung giá mua bán điện mới cho các dự án năng lượng tái tạo. Hiện dự thảo khung giá mua điện đã được trình lên Bộ Công thương, nhưng cũng đang được yêu cầu điều chỉnh.

Cũng có những nhà đầu tư khác đang tính toán kế hoạch đầu tư các dự án năng lượng tái tạo mới, nhằm tận dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) được quy định tại Nghị định 80/2024/NĐ-CP ban hành hồi tháng 7/2024, nhưng lại lúng túng vì chưa có các hướng dẫn cụ thể.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho hay: “Chúng tôi được biết, có những doanh nghiệp lớn sẵn sàng đầu tư bán điện theo cơ chế DPPA. Loại trừ việc bán điện theo đường dây riêng, trực tiếp giữa 2 doanh nghiệp, tuy dễ nhưng ít nhà đầu tư làm, thì việc bán điện qua hệ thống lưới điện truyền tải do EVN đang quản lý vẫn chưa biết sẽ thực hiện ra sao vì các loại giá truyền tải, chi phí bù trừ công suất chưa biết bao giờ mới có. Mà nếu không có thì nhà đầu tư không tính được giá điện sẽ bán theo cơ chế DPPA và bên mua sẽ không mặn mà vì đằng nào cũng đang được cấp điện”.

Ở nhóm các dự án điện lớn như điện khí LNG, hiện các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vẫn đang ngóng chờ các cơ chế đảm bảo đầu tư được đưa ra.

Ngay cả khi có cơ chế chuyển ngang giá mua khí sang giá điện hay bao tiêu, thì còn phải rõ ràng là tỷ lệ bao tiêu và sản lượng điện phát hàng năm ra sao mới tính được dòng tiền mà dự án điện khí có thể thu được.

Cần cú hích cơ chế rõ ràng

Một số nhà đầu tư có Dự án thuộc diện chuyển tiếp cho biết, thời gian đàm phán giá điện quá lâu, tới hơn 1 năm mà vẫn chưa xong, nên rất nản lòng.

Là đơn vị đang triển khai dự án điện khí LNG đầu tiên và có hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài khác trong các dự án điện khí LNG tiếp theo, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) cũng rất rõ các thách thức khiến dự án điện chưa đi nhanh được.

“Do không có bảo lãnh Chính phủ, việc thu xếp vốn vô cùng khó khăn, các tổ chức tín dụng yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết sản lượng điện hợp đồng (Qc) dài hạn để họ đánh giá hiệu quả của dự án, tính toán cho vay”, ông Nguyễn Duy Giang, Phó tổng giám đốc PV Power nói.

Tuy nhiên, việc sản lượng điện hợp đồng được đơn vị vận hành hệ thống điện thông báo hàng tháng, trong khi nhiên liệu đầu vào phải chuẩn bị trước nhiều tháng cũng đã gây khó khăn cho nhà đầu tư nhà máy điện khí LNG.

Khi dòng tiền không rõ ràng thì dự án điện khí LNG có quy mô hàng tỷ USD cũng sẽ khó tìm kiếm được sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức tín dụng quốc tế. Vì vậy, cả loạt dự án điện khí LNG của tư nhân trong và ngoài nước dù đã được cấp chủ trương đầu tư (sớm nhất là dự án điện khí LNG Bạc Liêu từ tháng 1/2020), tới giờ vẫn chưa có động thái gì về triển khai thi công trên thực địa.

Phát biểu tại EVN Partnership Meeting 2025 mới đây, bà Zayra Romo, Trưởng nhóm Hạ tầng (Ngân hàng Thế giới - WB) nhận xét, thách thức của Việt Nam nằm ở việc đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh, lên tới hai con số, đồng thời phù hợp với các mục tiêu của Chính phủ nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.

Cạnh đó là huy động khoảng 15 tỷ USD/năm cho tới năm 2030, thông qua các cơ chế cạnh tranh và minh bạch.

“Theo kế hoạch phát triển ngành điện mới nhất, khu vực tư nhân dự kiến đóng góp 80% các khoản đầu tư cần thiết. Do đó, việc thiết lập khung khổ pháp lý thuận lợi với các hướng dẫn rõ ràng, có thể hành động là rất quan trọng”, đại diện WB nhận xét và cho rằng, cần có những nỗ lực phối hợp của Chính phủ để tăng cường quy hoạch, quy trình phê duyệt và thực hiện, đồng thời thiết lập các khung khổ pháp lý tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng năng lượng.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ quá trình chuyển đổi quan trọng này thông qua chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chính sách và tài chính, nhằm mục đích củng cố các thể chế trong ngành điện, thúc đẩy cải cách và cho phép đầu tư chiến lược”, bà Zayra Romo nói.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục