Theo TS. Warren Mundy, cạnh tranh bình đẳng là chìa khoá để đảm bảo phát triển thị trường.
Theo đó, Luật Cạnh tranh cần phải được áp dụng một cách rộng rãi, các trường hợp miễn trừ phải ở mức tối thiểu. Do vậy, trong chính sách cạnh tranh chúng ta phải đảm bảo chính sách đó được xây dựng đảm bảo lợi ích tốt nhất cả cộng đồng.
Nhìn khía cạnh rộng nhất, sự phát triển của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển và chính sách cạnh tranh phải đưa ra được định hướng ngăn ngừa lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) trên thị trường phát triển đủ lớn để tận dụng được lợi thế tính kinh tế theo quy mô.
"Chính sách phải thúc đẩy cạnh tranh phát triển trong DN và khả năng tích lũy vốn trong nền kinh tế, năng lực của các DN. Điều kiện của các chuỗi cung ứng sẽ thay đổi theo thời gian. Đơn cử, khi tư nhân hóa ngành viễn thông ở Anh chúng ta thấy rằng, việc cung cấp dịch vụ viễn thông là độc quyền tự nhiên, sau này khi có sự phát triển, viễn thông không còn là ngành có vị thế độc quyền tự nhiên nữa", TS. Warren Mundy nói và cho biết, chúng ta có thể thấy sự tương đồng lớn giữa các quốc gia quy định liên quan hành vi vi phạm cạnh tranh.
Cạnh tranh bình đẳng là chìa khóa để đảm bảo phát triển thị trường, kể cả các hình thức xử phạt, phải được áp dụng đầy đủ đối với các doanh nghiêp nhà nước, bao gồm cả các hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương.
Luật cũng cần quy định việc áp dụng các miễn trừ đối với bất kỳ công ty nào hoặc nhóm công ty nào trong một thời gian nhất định nếu việc miễn trừ này phục vụ lợi ích công.
Bên cạnh đó, các hình thức xử phạt nên phản ánh mức độ thiệt hại kinh tế đã gây ra, mức độ cần thiết để ngăn chặn hành vi của các công ty trong tương lai, cũng như hướng dẫn hành vi thị trường trong tương lai.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam mới tự do hóa thị trường, vẫn cần thêm thời gian để đảm bảo thị trường cạnh tranh bình đẳng. Về vấn đề này, chúng ta đang thiếu hoặc chưa chú ý đến.
Cũng theo ông Cung, thời gian tới, Việt Nam nên cải cách hành chính theo hướng nhấn mạnh một chính phủ minh bạch, công khai. Tuy nhiên, hiện chúng ta có vẻ như đang kiểm soát nhiều hơn thúc đẩy thị trường.
"Thị trường phải biến động, còn thị trường ổn định không phải là thị trường", ông Cung đánh giá và cho biết, chính sự can thiệp ổn định thị trường đã làm thị trường méo mó. Chúng ta có khoảng cách khá lớn về tư duy trong hoạch định chính sách, cũng như điều hành cạnh tranh với các nước khác.
Theo ông Cung, khác biệt thể hiện trên thực tế là độc quyền doanh nghiệp nhà nước. Công cụ ít hơn cả số vi phạm. Vị thế của cơ quan quản lý cạnh tranh rất yếu, khiến công cụ tối thiểu nhất là tiếp cận và thu thập thông tin không đảm bảo. Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh phải thay đổi.
Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện doanh nghiệp nhà nước chiếm 32%, doanh nghiệp hộ gia đình 33,2%... như thế, khi hội nhập, làm sao kinh tế hộ gia đình có thể cạnh tranh được với các tập đoàn lớn của nước ngoài. Do vậy, yêu cầu cấp bách cần nâng cấp cơ quan quản lý giám sát cạnh tranh, bổ sung Luật Cạnh tranh chống độc quyền. Nếu không nhanh các DN nước ngoài vào Việt Nam sẽ thống lĩnh thị trường trong nước.
"Hội nhập là tốt, nhưng nếu trong nước chưa theo kịp thì giá phải trả rất đắt. Đây chính là cái bẫy của tự do thương mại. Một nước chưa phát triển nhưng lại mở toang cửa, nên cần đề phòng tránh trước", TS Lê Đăng Doanh lo ngại.
Đồng quan điểm, ông Cung cho rằng, Việt Nam còn dư địa để tự do hóa thị trường, nhưng chúng ta thiếu hệ thống đảm bảo duy trì cạnh tranh công bằng trong tiếp cận kinh doanh. Vì thế, cần thay đổi, nâng cấp trình độ thị trường của nền kinh tế Việt Nam.
"Cải cách đòi hỏi không chỉ tự do hóa thị trường, mà còn hoàn thiện nâng cao hiệu lực quản trị công đây là cách thức nâng cấp trình độ thị trường của nền kinh tế. Nếu không chúng ta sẽ có 1 thị trường méo mó, sai lệch phân bố nguồn lực... dẫn đến nền kinh tế năng suất thấp, năng lực cạnh tranh thấp", ông Cung nhấn mạnh.