Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác điều hành ngân sách nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội.
Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu nêu các giải pháp để thu hút nguồn thu từ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là phát huy thế mạnh của doanh nghiệp nhà nước trong dẫn dắt nền kinh tế.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) nhìn nhận, việc Chính phủ đề ra mục tiêu tăng thu 5% so với năm 2024 là một mục tiêu khó song đại biểu cho rằng có cơ sở.
Hiện nay nhiều nguồn thu của Việt Nam đang phục hồi, điển hình như khu vực thu của các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, chế biến xuất khẩu. Không chỉ thu thuế doanh nghiệp tăng, mà thu thuế liên quan đến cân đối xuất nhập khẩu cũng có xu hướng tăng. Đây tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế.
Cùng với đó, chúng ta đang quản lý chặt chẽ những nguồn thu từ trước tới nay bị buông lỏng, điển hình là thu trên giao dịch điện tử.
“Tôi rất mừng khi đại diện Chính phủ thông tin, tới đây sẽ ra mắt phần mềm Trí tuệ nhân tạo quản lý tự động tất cả giao dịch điện tử. Đây là cơ sở quan trọng tăng nguồn thu, đồng thời đảm bảo công bằng giữa người kinh doanh online và trực tiếp”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Cơ sở thứ ba, theo đại biểu, liên quan đến những khu vực dịch vụ. Dù rằng, năm 2024 gần như phục hồi chưa mạnh, nhưng năm 2025, nhiều lý do để có thể đặt hy vọng vào sự phục hồi mạnh hơn, thu trong nước có thể phục hồi tốt hơn.
Ngoài ra, những nguồn thu là thế mạnh của Việt Nam như từ đất đai cũng có triển vọng hơn khi năm 2025, những tháo gỡ về luật pháp liên quan dự án đầu tư đất đai để sử dụng được cởi mở. Đây là nguồn thu quan trọng trong năm tới.
Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, để nguồn thu bền vững thì cần phải chăm sóc nguồn thu từ các doanh nghiệp nội địa.
“Chúng ta phải có chiến lược trong việc đầu tư để tạo lập doanh nghiệp trong nước trở thành doanh nghiệp trụ cột", đại biểu nhấn mạnh.
Ông cho rằng, sắp tới triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, nếu chúng ta tiếp tục dựa vào nhà đầu tư nước ngoài thì không còn ngành công nghiệp đường sắt của các nhà đầu tư trong nước.
"Chiến lược cần đi theo hướng là chúng ta bắt buộc chuyển giao công nghệ cho các tập đoàn sản xuất trong nước, lúc đó có cơ sở hình thành tập đoàn mạnh đứng đầu sản xuất công nghiệp đường sắt. Từ đó, hàng loạt doanh nghiệp trong nước sẽ đi theo chuỗi cung ứng đó để tạo nên mạng lưới kết nối. Nguồn thu trong nước sẽ tăng lên”, ông Cường nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nhìn nhận, tổng vốn đầu tư công của nhiệm kỳ này lên gần 3 triệu tỷ USD, tăng rất lớn so với kế hoạch trước là 2 triệu tỷ USD.
Đây là mức tăng khá tốt và nhờ làm tốt chính sách tài khóa, kiểm soát thu tốt bằng công cụ hiện đại, chống thất thu. Đây là sự thành công của chính sách tài khóa.
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) |
Hiện nay, trong cơ cấu thu từ khu vực trong nước, doanh nghiệp Nhà nước vẫn có tỷ lệ lớn, nhưng tốc độ tăng thu có vốn đầu tư nước ngoài khá hơn.
Việc này, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân là tốt vì các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tạo ra xuất khẩu nhiều, vốn trữ cũng nhiều; chúng ta đã thành công trong thu hút doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tăng thu là tốt, nhưng khu vực thu từ doanh nghiệp Nhà nước lại giảm, đây là điều cần quan tâm.
Một trong những giải pháp vị đại biểu đề xuất chính là tháo điểm nghẽn về thể chế. Thời gian tới, ông cho rằng cần sớm sửa đổi luật liên quan doanh nghiệp Nhà nước, theo hướng tách bạch quản lý Nhà nước với cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh.
Nghĩa là, doanh nghiệp được giao vốn, sẽ sử dụng nguồn vốn theo tình hình sản xuất kinh doanh, theo tình hình thời cơ trong thị trường để chủ động đầu tư.
“Chúng ta cũng cần thực hiện việc giám sát thông qua tiêu chí, xây dựng tiêu chí để tăng cường giám sát tại chỗ, giám sát từ xa thông qua báo cáo tài chính, ngăn ngừa tiêu cực, tạo sự chủ động sử dụng vốn mà không theo quy trình”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.