Cần chính sách "Khoán 10 mới", "giấy phép im lặng" cho cải cách thể chế

(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) phát biểu như vậy tại thảo luận tổ sáng 23/5 về các vấn đề kinh tế xã hội, ngân sách. Ông So cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính.
Đại biểu Nguyễn Như So, đoàn Bắc Ninh, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025; và một số vấn đề liên quan đến ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí...

Doanh nghiệp mất hàng năm để hoàn tất thủ tục, trong khi đối thủ nước ngoài đã chiếm lĩnh thị phần

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco) cho rằng, để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế xã hội, cần phải có một cuộc "đại phẫu" thể chế thật sự, bắt đầu từ việc khoán cụ thể cho từng bộ ngành chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính theo từng lĩnh vực quản lý, có cam kết, có giám sát và có chế tài.

Theo vị đại biểu, thực tế hiện nay, dù có năng lực, sản phẩm và thị trường, nhiều doanh nghiệp vẫn bị vướng vào "ma trận" thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn giữa các cơ quan quản lý khiến chi phí gia nhập thị trường tăng cao, cơ hội bị bỏ lỡ và niềm tin nhà đầu tư bị bào mòn.

Nêu ví dụ trong lĩnh vực logistics, đại biểu cho biết, để mở một trung tâm phân phối tích hợp vận tải đa phương thức, doanh nghiệp phải xin hàng chục loại giấy phép từ các cấp, mỗi nơi một yêu cầu, một quy trình, không kết nối, không liên thông.

"Nhiều doanh nghiệp mất cả năm để hoàn tất thủ tục, trong khi đối thủ nước ngoài đã vào cuộc, chiếm lĩnh thị phần", đại biểu đoàn Bắc Ninh nêu thực trạng và nhấn mạnh, nếu cứ tiếp tục cải cách theo kiểu "gọt chân cho vừa giày", chúng ta sẽ mãi tụt hậu trên chính sân nhà.

Vị đại biểu nói thêm, chính sách "Khoán 10" đã từng làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhờ cơ chế dám trao quyền, cắt bỏ rào cản đúng chỗ. Giờ đây, nền kinh tế cần một "Khoán 10 mới" cho cải cách thể chế, khoán trách nhiệm cắt giảm thủ tục cho từng bộ, ngành theo lĩnh vực cụ thể.

Đáng lưu ý, đại biểu Nguyễn Như So đề xuất, cần mạnh dạn thí điểm cơ chế "giấy phép im lặng", nếu cơ quan Nhà nước không phản hồi doanh nghiệp trong thời hạn xử lý hồ sơ đã quy định thì doanh nghiệp được mặc nhiên triển khai.

"Cơ chế "giấy phép im lặng" có thể áp dụng trước đối với các thủ tục có tính chất phê duyệt rõ ràng như đăng ký kinh doanh có điều kiện, cấp phép xây dựng và chứng nhận đầu tư cho dự án quy mô nhỏ… nhằm thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy từ "xin - cho" sang "cam kết - chịu trách nhiệm", ông So đề xuất.

Cần mạnh dạn thí điểm cơ chế "giấy phép im lặng", nếu cơ quan Nhà nước không phản hồi doanh nghiệp trong thời hạn xử lý hồ sơ đã quy định thì doanh nghiệp được mặc nhiên triển khai.

ĐBQH Nguyễn Như So, đoàn Bắc Ninh, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco

Để doanh nghiệp tư nhân không phải "đi đường dài với đôi chân trần" giữa "mê cung thủ tục"

Nói về chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, ông So cho rằng nên nghiên cứu, bổ sung trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung lần này bằng việc quy định 1 điều về nguyên tắc xử lý đối với hành vi vi phạm quan hệ dân sự, kinh tế.

Theo đó, ông đề xuất chỉ xử lý hình sự nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, có lỗi cố ý rõ ràng và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, ưu tiên cơ chế trọng tài, hòa giải.

"Chỉ khi ấy, khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự được giải phóng để trở thành trụ cột, chứ không còn phải "đi đường dài với đôi chân trần" giữa "mê cung thủ tục", ông So nói.

Theo ông, chính sách tài khóa và tiền tệ cần thật sự trở thành đòn bẩy tăng trưởng chứ không thể chỉ dừng lại ở vai trò trấn an tinh thần.

Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực với các chính sách như Nghị định 82/2025 về gia hạn thuế, tiền thuê đất; Nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất 2%...

Tuy nhiên, thực tế triển khai lại rất chật vật. Gói hỗ trợ lãi suất 2% từng được kỳ vọng là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp, sau gần 2 năm mới giải ngân chưa tới 5%. Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là "xương sống" của nền kinh tế bị loại khỏi cuộc chơi vì không có báo cáo tài chính được kiểm toán hay tài sản thế chấp đạt chuẩn.

"Chính sách có, tiền có, nhưng doanh nghiệp không chạm được, đó là thất bại trong thực thi", ông So nói và cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, điều cấp thiết hơn là cải tổ toàn diện cơ chế thực thi để dòng vốn thực sự chảy đến đúng nơi cần thiết.

Theo đó, cần cải cách tư duy đánh giá tín dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Không thể tiếp tục áp dụng một bộ tiêu chí giống nhau cho cả tập đoàn lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp.

"Hệ thống tài chính ngân hàng cần chuyển từ "tư duy sổ đỏ" sang "tư duy dòng tiền", đánh giá năng lực trả nợ dựa trên dữ liệu kinh doanh, lịch sử đóng thuế, hiệu quả vận hành thực tế thay vì chỉ nhìn vào bảng cân đối kế toán hoặc tài sản thế chấp", ông So nói.

Vị đại biểu cũng đề xuất giao chỉ tiêu giải ngân bắt buộc cho từng tổ chức tín dụng, giống như giao kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nhưng chỉ tiêu không chỉ là "bao nhiêu tiền đã ra khỏi quỹ", mà là đã đến tay ai, hiệu quả ra sao?...

Đồng thời, ông cho rằng cần khẩn trương thiết lập hệ thống giám sát độc lập, công khai, với bộ chỉ tiêu đo lường minh bạch như tỉ lệ giải ngân, số hồ sơ tiếp cận thành công, tỉ lệ bị từ chối và lý do cụ thể.

"Không thể để tiền nằm trong ngân hàng mà doanh nghiệp nằm trên bờ vực. Mỗi ngân hàng, mỗi địa phương cần phải chịu trách nhiệm giải trình, thay vì né tránh, đùn đẩy", ông So nêu quan điểm.

Thủ tướng: Năm 2025 phải cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh

Cũng phát biểu tại thảo luận tổ sáng 23/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có đẩy mạnh ba đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Thủ tướng chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính tại thảo luận tổ sáng 23/5

Đặc biệt với thể chế, Thủ tướng nhận định, đây là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Tại Nghị quyết 66/NQ-TW, chúng ta quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở phát triển KTXH cơ bản phải xong trong năm nay. Đây là giải pháp quan trọng vì nó góp phần thúc đẩy, góp phần tháo gỡ, vừa là nguồn lực vừa là động lực cho sự phát triển. Thậm chí, chúng ta phải biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh, như lời của Tổng bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Tại Công điện số 69/CĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ngày 22/5/2025 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thủ tướng chỉ đạo phải bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục