Cần chi tiết hóa quy định thanh toán điện tử

(ĐTCK) Mặc dù Luật Giao dịch điện tử đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2006, nhưng còn nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố công nghệ vẫn chưa được đề cập chi tiết.

Thanh toán điện tử là sự trao đổi hoặc chuyển khoản tiền thông qua một hệ thống điện tử, với việc sử dụng các phương thức khác nhau như thẻ thanh toán, tiền gửi trực tiếp, ghi nợ trực tiếp, chuyển tiền điện tử hoặc chuyển khoản…

Sự thiếu tin tưởng vẫn là rào cản chính trong việc ứng dụng thanh toán điện tử của người dân

Tuy nhiên, dù thanh toán điện tử đem lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng nhưng nhiều năm qua, sự thiếu tin tưởng vẫn là rào cản chính trong việc ứng dụng thanh toán điện tử của người dân. Chị Lê Thanh Hải, nhân viên một tổ chức phi chính phủ chia sẻ, do đặc thù công việc phải đi công tác rất nhiều và liên tục, chị không mấy khi có mặt ở nhà nên việc thanh toán các hóa đơn tiền điện, nước hay gửi tiền cho người thân hầu hết đều bằng phương tiện thanh toán điện tử. “Nhưng tôi luôn quan ngại rằng, cơ sở hạ tầng của dịch vụ này tại Việt Nam chưa tốt khiến rủi ro về độ bảo mật lớn”, chị Hải nói.

Mặc dù Luật Giao dịch điện tử đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2006, nhưng còn nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố công nghệ vẫn chưa được đề cập chi tiết như tội phạm công nghệ, tranh chấp qua giao dịch điện tử… Do đó, sự quan ngại về an toàn trong giao dịch của chị Hải không phải là không có lý do. Người dân từ lo ngại dẫn đến không tiếp cận giao dịch và càng khó có thể thấy được lợi ích của việc thanh toán điện tử.

Nhưng các thách thức này đang dần được khắc phục với sự phát triển của những hệ thống bảo mật mới, cải tiến hơn dành cho thanh toán điện tử như các thiết bị sinh trắc học, các thiết bị đồng bộ thời gian sử dụng thuật toán để sinh ra mật mã chỉ dùng một lần, các phương thức mã hóa công cộng. Ngoài ra, các thiết bị phần cứng chống đột nhập, các phần mềm thông minh cũng giúp người dân, doanh nghiệp và tổ chức kiểm soát và ngăn chặn những giao dịch bất hợp pháp.

Bà Lucy Hurst, Phó giám đốc của Bộ phận Nghiên cứu khách hàng, Economist Intelligence Unit cho biết: “Thanh toán điện tử tiếp tục trên đà phát triển bất chấp các yếu tố thử thách có thể kìm hãm sự phát triển của nó như khủng hoảng kinh tế và các biện pháp thắt chặt tài chính. Đồng thời, xu hướng chung trong 5 năm gần đây là chính phủ các nước tiếp tục cam kết phát triển nền tảng thanh toán điện tử. Nhờ vậy, giao dịch sẽ càng thuận tiện và hiệu quả”.

Quả thực, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng môi trường chính sách có lợi cho việc phát triển thanh toán điện tử đang ngày càng được đẩy mạnh. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khi mới nhậm chức cũng đã tuyên bố 1 trong 6 mục tiêu chính trong nhiệm kỳ của ông là thanh toán không dùng tiền mặt. “Với xu hướng tích cực của bối cảnh chính sách hiện tại, bao gồm cam kết của chính phủ đối với vấn đề bảo mật trong thanh toán điện tử và đối với việc hội nhập với nền kinh tế khác… sẽ là một nền tảng bền vững để người dân tận dụng được những lợi ích tốt nhất của thanh toán điện tử”, bà Lorijon Bacchi, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào nói.          

Đó là lợi ích được áp dụng và biết đến nhiều nhất ở Việt Nam nhưng trên thực tế, thanh toán điện tử còn có những lợi ích khác như để thu/trả tiền cho thẻ nhận dạng, yêu cầu trợ cấp thất nghiệp, bồi thường lao động và các trợ cấp xã hội cũng như giải ngân các khoản vay cho các doanh nghiệp…

Thủy Nguyên
Thủy Nguyên

Tin cùng chuyên mục