Cận cảnh khoản lãi trăm tỷ của các công ty chứng khoán

(ĐTCK) 5 công ty chứng khoán có lãi trên 100 tỷ năm 2013, nhưng nếu đọc báo cáo tài chính của các công ty này sẽ rất ít người có thể hiểu nổi. Khoản “doanh thu khác” đều giảm là ấn số không dễ đọc, nhưng hãy thử cố gắng đọc
Cận cảnh khoản lãi trăm tỷ của các công ty chứng khoán
Nếu không tính trường hợp đột biến của CTCK Sacombank (SBS) như ĐTCK đã có lần phân tích (lãi 445 tỷ đồng do hoàn nhập 470 tỷ đồng đã trích trước đó), năm 2013 có 5 CTCK báo cáo lãi ròng trên 100 tỷ đồng. Dẫn đầu là CTCK Sài Gòn (SSI) với 418 tỷ đồng, kế đến là CTCK TP. HCM (HSC) 282,2 tỷ đồng, CTCK Kim Long (KLS) hơn 138,3 tỷ đồng, CTCK VPBank (VPBS) 128,7 tỷ đồng và CTCK VNDirect hơn 124,4 tỷ đồng.

Điểm giống nhau trong kết quả kinh doanh của các CTCK này là doanh thu môi giới tăng và “doanh thu khác” giảm. “Doanh thu khác” ở đây chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng, lãi cho vay giao dịch ký quỹ và lãi từ các hợp đồng repo, “hợp tác kinh doanh”...

Đối với SSI, hoạt động môi giới trong năm 2013 tương đối thành công, với doanh thu đạt 138,3 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2012. Trong khi đó, doanh thu tư vấn lại giảm đến 64% và chỉ đạt 28,7 tỷ đồng. Tính chung, doanh thu 2 mảng dịch vụ chính là môi giới và tư vấn giảm 18,6 tỷ đồng, tức giảm 11,2%.

Doanh thu môi giới của 13 công ty chứng khoán lãi nhiều nhất

Doanh thu hoạt động đầu tư cũng giảm đến 29% và đạt 196,3 tỷ đồng, nhưng cần lưu ý con số này phản ánh trên báo cáo tài chính chỉ là chênh lệch dương giữa giá mua và giá bán trong kỳ, chứ không phải là chênh lệch ròng của tất cả các chứng khoán mua bán. Nói cách khác, khi bán có lời thì phần lời này được ghi nhận vào doanh thu đầu tư, còn khi bán lỗ thì khoản lỗ đó lại được ghi nhận vào chi phí hoạt động kinh doanh.

Chẳng hạn, CTCK bán cổ phiếu ABC nào đó mang về doanh thu (chênh lệch giữa giá trị mua và giá trị bán) là 50 tỷ đồng, nhưng bán cổ phiếu XYZ lại lỗ, giả sử là 80 tỷ đồng thì sau khi mua mua, bán bán, cuối cùng CTCK lỗ mất 30 tỷ đồng. Nhìn vào báo cáo tài chính thấy doanh thu đầu tư 50 tỷ đồng, mà không biết được tự doanh trong năm đã lỗ mất 30 tỷ đồng, trừ khi CTCK thuyết minh chi tiết chi phí tự doanh.

Doanh thu tư vấn của 13 công ty lãi nhiều nhất

Dù lợi nhuận năm 2013 giảm 10% so với 2012, nhưng SSI vẫn duy trì được mức cao nhờ có “thu nhập khác”. Khoản thu nhập đặc biệt này là 63 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 5 tỷ đồng trong năm 2012. Đây chủ yếu là lãi phạt hợp đồng môi giới trái phiếu. SSI đặt cọc tiền cho khách hàng để mua trái phiếu cho SSI, và nếu không mua được thì khách hàng phải trả lại cọc kèm với lãi phạt do không thực hiện hợp đồng. Giao dịch này chẳng khác gì SSI cho vay. Số dư “đặt cọc” đầu năm 2013 là 272,1 tỷ đồng, đã giảm xuống còn 85,3 tỷ đồng vào cuối năm 2013.

Đối với HSC, doanh thu các mặt hoạt động đều tăng khá, ngoại trừ mảng ngân quỹ như tiền gửi ngân hàng, cho vay ký quỹ, repo… do mặt bằng lãi suất chung giảm.

Cụ thể, doanh thu môi giới đạt hơn 199 tỷ đồng, tăng 37,3%; tư vấn đạt 16,4 tỷ đồng, tăng 28,4%. Số tăng tuyệt đối của 2 mảng này là 57,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, doanh thu đầu tư đạt 153 tỷ đồng, tăng 413%, trong khi chi phí chỉ có 10,3 tỷ đồng, tức HSC đã lãi từ đầu tư (không tính chi phí phân bổ) là 142,7 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi tiền gửi ngân hàng giảm 48 tỷ đồng, doanh thu giao dịch ký quỹ giảm 32,3 tỷ đồng và doanh thu repo giảm 33,7 tỷ đồng, từ đó khiến cho tổng “doanh thu khác” trong năm 2013 giảm 110,3 tỷ đồng.

Kết thúc năm, HSC lãi ròng 282,2 tỷ đồng, tăng 14,53%.

KLS đứng vị trí thứ 3 về lợi nhuận với hơn 138,3 tỷ đồng, tăng ấn tượng hơn 541% so với năm 2012, trong khi doanh thu các mặt hoạt động giảm mạnh hoặc tăng không đáng kể.

Cụ thể, doanh thu môi giới chỉ có 6,4 tỷ đồng, tăng 6,1%; doanh thu tư vấn chưa đến 1,5 tỷ đồng, giảm một nửa; doanh thu đầu tư đạt 22,75 tỷ đồng, giảm 12,4%.

Lợi nhuận có được chủ yếu là nhờ hoàn nhập dự phòng. Nếu năm 2012, KLS trích dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 130,3 tỷ đồng thì năm 2013 được hoàn nhập hơn 167,3 tỷ đồng.

Những công ty lãi nhiều nhất năm 2013

Vị trí tiếp theo là VPBS. Hoạt động tư vấn của VPBS năm qua tăng trưởng vượt bậc, đến 378%, đạt 100,3 tỷ đồng. Doanh thu môi giới cũng tăng 39% và đạt hơn 30,8 tỷ đồng. Chính nhờ sự tăng trưởng của hai mảng dịch vụ này mà VPBS đã lãi hơn 128,7 tỷ đồng, tăng hơn 111,4%.

Xếp cuối cùng trong Top 5 về lợi nhuận là VNDirect với hơn 124,4 tỷ đồng. Con số này tăng xấp xỉ 57,8% so với năm 2012, nhờ sự tăng trưởng của hoạt động môi giới, đầu tư và còn do được hoàn nhập dự phòng.

Cụ thể, doanh thu môi giới đạt hơn 82,6 tỷ đồng, tăng hơn 33,3%. Doanh thu đầu tư đạt hơn 41,7 tỷ đồng, tăng 189%. Doanh thu tư vấn dù tăng rất mạnh, đến gần 68% nhưng con số tuyệt đối đạt được cũng chưa đến 1 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động kinh doanh giảm khoảng một nửa so với năm 2012 và đạt gần 47,3 tỷ đồng là do VNDirect được hoàn nhập dự phòng.

Đức Luận

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục