Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Chúc (Ba Chúc), người dân nơi đây thường gọi ông là “hiệp sĩ trên sông Sài Gòn”.
Men theo con đường nhỏ, đoạn giữa cầu Bình Lợi cũ và mới, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ được dựng tạm bợ của gia đình ông Ba Chúc sinh sống. Qua câu chuyện có thể thấy, cuộc đời của ông dường như đã gắn chặt với dòng sông Sài Gòn từ nhỏ và việc cứu người không may mắn rơi xuống sông cũng là học được của người cha của mình.
Theo lời kể của ông Chúc, ông sinh năm 1957, từ khoảng 9 - 10 tuổi, ông đã theo cha lênh đênh kiếm sống ở trên sông. Sau nhiều lần chứng kiến cha cứu người trên sông, ông đã nhen nhóm ý định tiếp tục theo cha làm công việc này.
Ông Chúc cũng không ngần ngại chia sẻ, người rơi xuống sông cũng có nhiều nguyên nhân. Có người đi trên cầu không may rơi xuống, có những người đi tắm sông bị dòng nước cuốn ra xa. Thậm chí, cũng có không ít người trong một phút nghĩ quẩn đã gieo mình xuống sông để tìm cái chết.
Tuy nhiên, có một lần cứu người mà ông nhớ nhất là khoảng hơn 10 năm trước, một nhóm công nhân đang sửa cầu Bình Lợi thì giàn giáo bị sập. Một người công nhân tên Đức bị dòng nước cuốn ra xa và đang chới với.
Thấy vậy, ông liền đưa xuồng ra gần chỗ người bị nạn, nhưng do nước chảy xiết mà chiếc thuyền của ông lại bị hỏng giữa đường, ông đành lao mình xuống dòng nước dữ rồi bơi tới chỗ người bị nạn. Lúc này cũng là lúc nạn nhân bất động vì kiệt sức, ông cũng đã mất sức vì phải bơi một đoạn dài.
“Tôi vừa bơi vừa kéo nạn nhân vào gần ghe và lẩm bẩm cầu nguyện. Khi cả hai đã lên được bờ, dù đã hết sức mệt mỏi nhưng tôi vẫn phải nhanh chóng làm động tác sơ cứu. Bởi khi nạn nhân đã bất động thì chậm giây nào là tính mạnh của họ sẽ lâm nguy giây đấy”, ông Chúc kể lại và cho biết thêm, cũng sau lần cứu người này, nạn nhân đã nhận vợ chồng ông là bố mẹ nuôi.
“Giờ anh Đức đã có gia đình, thi thoảng vợ chồng, con cái Ðức lại qua thăm vợ chồng tôi. Với chúng tôi, chỉ cần như thế là đủ", ông Chúc nói.
Hơn 50 năm lênh trên sông nước, ông không còn nhớ đã vớt, cứu được bao nhiêu người gặp nạn. Có người quay lại cảm ơn, có người một đi không trở lại. Nhưng có một điều ông vẫn luôn tâm niệm rằng, cứu người là chuyện phúc đức, không bao giờ trông chờ báo đáp.
“Dù cuộc sống hiện tại của gia đình có thiếu thốn và khó khăn, nhưng việc cứu người khi gặp nạn là việc nên làm. Tiền bạc thì bao nhiêu tiêu cũng hết, chỉ có cuộc sống và tính mạng của con người là đáng quý nhất”, ông Chúc chia sẻ.
Trong suốt quá trình trò chuyện, người hiệp sĩ hơn 60 tuổi luôn nở nụ cười đôn hậu, bất giác trong tôi thầm dâng lên niềm xúc động dạt dào. Bởi trong cuộc sống bận rộn hiện nay, giữa Sài Gòn hoa lệ, vẫn còn có những tấm lòng nghĩa hiệp, bao dung và chân thành như vợ chồng ông Ba Chúc.
Cuộc sống vợ chồng ông Ba Chúc chỉ vỏn vẹn trong một căn nhà dựng tạm rộng chưa đầy 10m2 sát bên sông Sài Gòn. |
Hành trang cứu người của ông Chúc chỉ là chiếc xuồng gỗ và một sợi dây thừng dài. |
Dường như cuộc đời của ông đã gắn với sông nước từ nhỏ |
Công việc hàng ngày của ông là vận chuyển những vị khách có sà lan, tàu, đỗ ở giữa sông vào bờ |
Ngoài ra, việc chài lưới trên sông cũng giúp cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn |
Do vợ hay bị đau ốm nên ông là người làm việc chính trong nhà |
Vật dụng trong gia đình gồm những đồ dùng sơ sài |
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông vẫn luôn vui vẻ |
Mỗi khi thấy người gặp nạn, ông không ngần ngại mà lao mình xuống cứu |
Ông luôn tâm niệm, cứu người là chuyện phúc đức, không trông chờ sự báo đáp. |
Với những đóng góp của mình, ông Ba Chúc nhận được rất nhiều bằng khen của các tổ chức xã hội như danh hiệu Hiệp sĩ giao thông... |
Phút giây bình dị của vợ chồng ông Ba Chúc trong căn nhà nhỏ của mình. |