Triển vọng kinh tế toàn cầu và dự kiến lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Morgan Stanley đều dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu dao động trong khoảng 2,9 - 3,1% trong năm 2025, giảm so với mức xấp xỉ 3,3% của năm 2024. Đây là nhận định tương đồng với nhiều tổ chức và chuyên gia phân tích lớn, khi cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu nửa cuối năm 2025 sẽ có mức tăng trưởng vừa phải, đi kèm với mức độ bất định gia tăng do ảnh hưởng của thuế quan Mỹ ở mức cao, xung đột địa chính trị, lạm phát và sự thay đổi trong chính sách tiền tệ, cùng với tâm lý chủ quan từ thị trường tài chính.
|
TSKH. Mathew Shafaghi, Nghiên cứu, Quản lý và Phát triển giáo dục chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Anh quốc |
Đối với Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6,8% trong năm 2025, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế có hiệu suất cao tại khu vực châu Á. Mặc dù có thể chịu ảnh hưởng từ rủi ro thuế quan và biến động giá năng lượng, Việt Nam vẫn có thể tận dụng các cơ hội từ công nghệ, năng lượng tái tạo và cải cách khu vực kinh tế tư nhân.
Đúng như thị trường dự báo, Fed giữ nguyên lãi suất chính sách tại cuộc họp tháng 6 và có khả năng cắt giảm lãi suất 2 lần trước khi năm 2025 kết thúc. Hiệu suất của USD trong nửa cuối năm nay sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hướng đi của lãi suất, xu hướng lạm phát và tâm lý rủi ro toàn cầu của nhà đầu tư, nhưng không thể bỏ qua ảnh hưởng từ các tiến bộ công nghệ nhanh chóng, sự kết nối sâu rộng của kinh tế toàn cầu và bất ổn địa chính trị.
Trong ngắn hạn, USD có thể duy trì sức mạnh nếu Fed vẫn giữ quan điểm chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng triển vọng trung hạn thiên về xu hướng suy yếu dần trong nửa cuối năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc lạm phát có thể gia tăng do tác động từ thuế quan. Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nhận định rằng, “cuối cùng, chi phí từ thuế quan sẽ phải được chi trả và một phần trong đó sẽ đổ lên người tiêu dùng”.
Xu hướng của đồng USD trong sáu tháng tới sẽ bị chi phối bởi sự tương tác giữa chính sách thuế quan của Mỹ hiện nay và lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ dự kiến của Fed. Nếu Chính phủ Mỹ áp đặt thêm thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc hoặc các mặt hàng nhập khẩu khác, điều này có thể gây ra một số tác động ngắn hạn đến USD, thông qua áp lực lạm phát, dịch chuyển vốn sang tài sản an toàn và sự điều chỉnh cán cân thương mại. Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ do tăng trưởng chậm lại và lạm phát hạ nhiệt.
Việc lãi suất giảm thường làm giảm sức hấp dẫn của tài sản định danh bằng USD, tạo áp lực giảm giá lên đồng tiền này. Tuy nhiên, nếu các biện pháp thuế quan làm tăng lạm phát, Fed có thể thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất, từ đó làm chậm đà mất giá của USD. Ngược lại, nếu thuế quan gây tổn hại đến tăng trưởng nhiều hơn là thúc đẩy lạm phát, Fed có thể đẩy nhanh quá trình nới lỏng, khiến USD suy yếu mạnh hơn.
Tóm lại, thuế quan sẽ đóng vai trò như một nhân tố đối trọng ngắn hạn đối với xu hướng nới lỏng tiền tệ. Trong khi lộ trình cắt giảm lãi suất thiên về xu hướng làm suy yếu đồng Mỹ, các biện pháp thuế quan có thể đủ sức tạo ra lạm phát và rủi ro địa chính trị, làm trì hoãn quyết định của Fed hoặc thúc đẩy dòng vốn trú ẩn vào USD. Tuy nhiên, trong sáu tháng tới, cán cân rủi ro vẫn nghiêng nhẹ về phía USD tiếp tục suy yếu ở mức vừa phải, trừ khi các biện pháp thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng, thương mại quốc tế hoặc tâm lý thị trường.
|
Tác động đến chính sách tiền tệ, tỷ giá tiền đồng
Nếu Fed cắt giảm lãi suất, NHNN sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thứ nhất, việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ giảm áp lực từ bên ngoài, giúp NHNN có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành mà không lo ngại dòng vốn bị rút ra hay gây áp lực giảm giá lên VND.
Thứ hai, xu hướng nới lỏng tiền tệ toàn cầu tạo môi trường thuận lợi cho chi phí vốn thấp hơn, dòng vốn vào mạnh hơn và sự ổn định tài chính tốt hơn tại các thị trường mới nổi. Điều này củng cố niềm tin cho NHNN trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nội địa.
Thứ ba, nếu lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát và áp lực lạm phát từ bên ngoài dịu đi nhờ môi trường lãi suất toàn cầu thấp, NHNN sẽ có vị thế tốt hơn để cắt giảm lãi suất mà không ảnh hưởng đến ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, cần theo dõi sát sao lạm phát nhập khẩu, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm vốn nhạy cảm với biến động tỷ giá. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc Fed có lập trường ôn hòa hơn sẽ giúp cải thiện nhu cầu toàn cầu, đặc biệt từ Mỹ - đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, lãi suất VND trong nước thấp hơn sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng, tiêu dùng và đầu tư, hỗ trợ quá trình phục hồi cũng như chuyển đổi cấu trúc sau đại dịch Covid-19, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Tôi cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm: chính sách tiền tệ của Fed và biến động USD, chính sách thuế và thương mại quốc tế, hoạt động can thiệp ngoại hối, dự trữ ngoại hối của NHNN, cũng như các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
Theo dự báo, tỷ giá USD/VND có thể tăng nhẹ trong thời gian còn lại của năm 2025, lên vùng 26.300 - 26.400. Tuy nhiên, các rủi ro như USD mạnh lên hoặc căng thẳng thương mại có thể đẩy tỷ giá lên, trong khi chính sách ôn hòa hơn từ Fed và tín hiệu tích cực từ thương mại toàn cầu có thể giới hạn mức tăng quanh ngưỡng 26.000.
Trước những biến động ngày càng rõ rệt của thị trường toàn cầu và rủi ro tỷ giá nửa cuối năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên áp dụng các chiến lược quản trị rủi ro và biện pháp phòng ngừa để đảm bảo ổn định hoạt động và tài chính. Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam ngày càng đối mặt với rủi ro tỷ giá do tác động từ chính sách tiền tệ toàn cầu, bất ổn thương mại và độ sâu còn hạn chế của thị trường ngoại hối trong nước.
Để bảo vệ hoạt động và sự ổn định tài chính, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quản trị rủi ro tỷ giá đa tầng, chủ động với các trụ cột sau.
Một là, giảm biến động lợi nhuận do tỷ giá: doanh nghiệp sử dụng các công cụ phòng ngừa như hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn hoặc cân đối tự nhiên.
Hai là, đa dạng hóa rủi ro tỷ giá: tránh phụ thuộc vào một cặp tiền tệ duy nhất (đặc biệt là USD/VND), mở rộng thị trường sang EU, Nhật Bản, ASEAN… để tăng tỷ trọng EUR, JPY, SGD trong doanh thu.
Ba là, chống xói mòn biên lợi nhuận: áp dụng điều khoản điều chỉnh giá trong hợp đồng, thường xuyên rà soát và đàm phán lại, theo dõi giá đối thủ theo từng môi trường tỷ giá.
Bốn là, xây dựng bảng điều khiển rủi ro tỷ giá (Currency Risk Dashboard).
Năm là, chuẩn bị cho cú sốc ngắn hạn: duy trì dự phòng thanh khoản ngoại tệ, đặc biệt là USD và các đồng tiền giao dịch chính; cân nhắc chuyển đổi nợ sang VND, hạn chế vay ngắn hạn bằng ngoại tệ.
Sáu là, nâng cao nhận thức và phối hợp nội bộ về rủi ro.
Bảy là, tham gia đối thoại chính sách và các chương trình hỗ trợ từ NHNN.
Tóm lại, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tích hợp quản trị rủi ro tỷ giá vào chiến lược vận hành cốt lõi, thay vì chỉ xem đây là vấn đề tài chính đơn thuần. Trong bối cảnh biến động tỷ giá ngày càng mang tính cấu trúc, thay vì chỉ mang tính chu kỳ, năng lực ứng phó sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh bền vững.