Cần 2 - 3 năm để hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường

(ĐTCK) Ngày 24/6/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ký thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ thông tin kỹ thuật vì mục tiêu phát triển ổn định, bền vững và nâng cao uy tín của thị trường chứng khoanán (TTCK) Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế với CTCP StoxPlus.
Thị trường mới nổi phải có tối thiểu 100 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất công bố thông tin bằng tiếng Anh Thị trường mới nổi phải có tối thiểu 100 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất công bố thông tin bằng tiếng Anh

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch UBCK cho biết, đây là một trong những bước chuẩn bị quan trọng để hoàn thành mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam trong 2 - 3 năm tới. 

Nâng hạng thị trường: Cơ hội thu hút hàng chục tỷ USD vốn ngoại

Dữ liệu của UBCK cho thấy, hiện tại, vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam chiếm khoảng 35% GDP; trong đó, sở hữu nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ đạt 17% quy mô thị trường. Con số này còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng và tiềm năng của thị trường cũng như nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp niêm yết. Nâng hạng thị trường, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, từ lâu đã được nhắc đến nhiều, như một giải pháp hiệu quả để thu hút vốn ngoại.

Giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam hiện là 60 tỷ USD, tương đương khoảng 1,5% tổng vốn hóa của các thị trường mới nổi.  

Ước tính của Công ty Chứng khoán MB (MBS) trong Báo cáo chiến lược năm 2016 cho thấy một bức tranh rất triển vọng về huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nếu TTCK được nâng hạng. Theo đó, các quỹ ETF trực tiếp đầu tư vào các thị trường mới nổi (tổng vốn hóa dao động từ 3.400 - 4.000 tỷ USD tùy theo giá trị cổ phiếu theo tính toán của MSCI) có quy mô 405 tỷ USD. Ngoài ra, các quỹ khác đầu tư vào thị trường mới nổi có thể lên tới 1.700 tỷ USD.

Hiện giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam là 60 tỷ USD, tương đương khoảng 1,5% tổng vốn hóa của các thị trường mới nổi. Nếu Việt Nam có thể thu hút 1% lượng vốn đầu tư nước ngoài vào các thị trường mới nổi, thì dòng vốn ngoại vào Việt Nam có thể lên tới 4 tỷ USD từ các quỹ ETF (so với mức khoảng 1 tỷ USD như hiện nay) và 15 tỷ USD từ các quỹ khác. 

Cần tăng khả năng tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngày 24/6/2016, UBCK và StoxPlus đã ký thỏa thuận hợp tác, nhằm nâng cao khả năng thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài cũng như nâng cao hình ảnh TTCK Việt Nam. Theo đó, StoxPlus sẽ hỗ trợ các công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin tự nguyện bằng tiếng Anh theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC; phối hợp chuẩn hóa hệ thống thông tin dữ liệu các công ty đại chúng, bao gồm cả các công ty đại chúng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch; hỗ trợ hệ thống dữ liệu và thông tin FiinPro Platform của StoxPlus cho UBCK nhằm phục vụ hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo cũng như công tác quản lý của UBCK. Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ trực tiếp liên quan đến thông tin thị trường, StoxPlus sẽ nâng cao khả năng tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh của nhà đầu tư nước ngoài thông qua hệ thống thông tin, dữ liệu của StoxPlus và Nikkei.

“Tôi tin rằng, StoxPlus, cùng với sự hỗ trợ của Nikkei và QUICK (Nhật Bản) sẽ giúp UBCK trong hoạt động đẩy mạnh công bố thông tin đến thành viên thị trường và cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, giúp minh bạch TTCK. Từ đó, góp phần rút ngắn thời gian nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn MSCI và thu hút dòng vốn ngoại”, bà Nguyễn Thị Liên Hoa nói.

Theo bà Hoa, dự kiến đến cuối năm 2016, UBCK sẽ hoàn tất chương trình hành động cụ thể, nhằm hoàn thành mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam trong 2 - 3 năm tới.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc StoxPlus cho hay, một trong những điều kiện để được MSCI xem xét nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là phải có tối thiểu 100 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất công bố thông tin bằng tiếng Anh. StoxPlus sẽ hỗ trợ thực hiện dịch công bố thông tin bằng tiếng Anh cho các doanh nghiệp niêm yết để Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu này, đồng thời giúp nhà đầu tư nước ngoài thuận tiện hơn trong tìm hiểu thông tin, ra quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Ông Yoichi Noor Iwamoto, Giám đốc điều hành Nikkei China (Hồng Kông) chia sẻ, với mạng lưới khách hàng lớn không chỉ tại Nhật Bản, Nikkei có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc đưa thông tin ra thị trường quốc tế tốt hơn, tiếp cận được đa dạng nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, Nikkei cũng sẵn sàng phối hợp với UBCK đưa ra các sáng kiến nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, hoạt động kinh doanh hiệu quả và minh bạch thông tin…, từ đó giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn trong đánh giá và lựa chọn cơ hội đầu tư.     

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục