Camimex (CMX) tiềm ẩn rủi ro hàng tồn kho

Hàng tồn kho của Công ty cổ phần Camimex (mã CMX, sàn HoSE) có xu hướng tăng mạnh trong năm 2019 và có thể là “quả bom nổ chậm” treo trên đầu doanh nghiệp ngành thủy sản này trong năm 2020.
Đặc điểm của các doanh nghiệp ngành thực phẩm là hàng tồn kho có tính “nhạy cảm” khá cao, bởi đây là các mặt hàng nhanh xuống cấp nếu phải lưu kho lâu ngày. Ảnh: Đức Thanh Đặc điểm của các doanh nghiệp ngành thực phẩm là hàng tồn kho có tính “nhạy cảm” khá cao, bởi đây là các mặt hàng nhanh xuống cấp nếu phải lưu kho lâu ngày. Ảnh: Đức Thanh

Tăng tồn kho, nảy sinh trích lập giảm giá

Theo báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán, hàng tồn kho của Camimex tại thời điểm ngày 31/12/2019 có giá trị 581 tỷ đồng, tăng tới 38% so với đầu năm. Đây là con số đã trừ phần trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 30 tỷ đồng.

Việc gia tăng hàng tồn kho, đồng thời số liệu về hàng tồn kho giảm giá trị dẫn đến phải trích lập dự phòng là một thông điệp đáng chú ý về tài chính của Camimex trong năm 2019, bởi tại thời điểm cuối năm 2018, Công ty không phải trích lập dự phòng với hàng tồn.

Số liệu trên báo cáo tài chính kiểm toán về giá trị hàng tồn kho phải trích lập dự phòng đã tăng thêm gần gấp đôi so với số liệu được ghi nhận tại báo cáo tài chính do Camimex tự lập trước đó (16,8 tỷ đồng).

Sự thay đổi con số trích lập dự phòng hàng tồn kho cũng là một yếu tố làm “bay hơi” lợi nhuận sau kiểm toán của Công ty. Cụ thể, sau báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, phần lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ còn 77,8 tỷ đồng (giảm gần 63 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế lũy kế do Công ty công bố tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019).

Trong nội dung văn bản giải trình, ông Bùi Đức Cường, Phó tổng giám đốc Camimex còn cho biết thêm một số nguyên nhân khác kéo tụt lợi nhuận sau kiểm toán. Đó là kết quả hoạt động tài chính giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng…

Camimex (CMX) tiềm ẩn rủi ro hàng tồn kho ảnh 1

“Bom nổ chậm” hàng tồn kho

Hàng tồn kho gia tăng mạnh, ngoài việc đã phải tăng trích lập dự phòng tại thời điểm cuối năm 2019, cũng tiếp tục là một quả “bom nổ chậm” treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp.

Camimex là doanh nghiệp kinh doanh thủy sản, được biết đến nhiều bởi mặt hàng tôm sinh thái chế biến xuất khẩu. Vùng nuôi tôm sinh thái do Camimex quản lý tại Cà Mau có diện tích gần 40.000 ha. Hằng năm, Camimex chế biến và xuất khẩu khoảng 10.000 tấn thành phẩm tôm ra các thị trường trên thế giới.

Đặc điểm của Camimex nói riêng và các doanh nghiệp ngành thực phẩm nói chung là hàng tồn kho có tính “nhạy cảm” khá cao, bởi đây là các mặt hàng nhanh xuống cấp nếu phải lưu kho lâu ngày. Chưa kể, chi phí lưu kho các loại mặt hàng này cũng cao do phải vận hành hệ thống kho lạnh để bảo quản.

Với Camimex, hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2019 chủ yếu là sản phẩm đã hoàn thành quá trình chế biến, giá trị theo nguyên giá là 597,7 tỷ đồng. Hàng tồn kho dưới dạng nguyên vật liệu không đáng kể, trị giá chỉ 11,2 tỷ đồng. Phần hàng tồn kho giảm giá trị phải trích lập dự phòng hơn 30 tỷ đồng cũng rơi vào hàng thành phẩm của doanh nghiệp.

Camimex hiện có 3 nhà máy chế biến nằm trên diện tích gần 4,5 ha, có 2.500 công nhân, tổng công suất hơn 15.000 tấn thành phẩm/năm. Tuy nhiên, với bức tranh tài chính hiện tại của Camimex, các nhà máy chế biến có thể nhàn nhã một cách bất đắc dĩ vì nếu tiếp tục sản xuất thì sẽ đẩy hàng tồn kho thành phẩm lên cao nữa. Ngược lại, hệ thống kho lạnh với sức chứa 2.000 tấn tại Cà Mau và TP.HCM của Camimex sẽ được dịp làm việc bận rộn.

Nếu không tính đến những rủi ro khách quan có thể làm sụt giảm khả năng tiêu thụ hàng hóa và giả sử doanh nghiệp vẫn đạt tốc độ bán hàng như năm 2019, thì thời gian cần thiết để Camimex “xả” hết lượng hàng tồn kho như số dư cuối năm 2019 cũng không ngắn. Năm 2019, tổng giá vốn hàng bán đạt 750,5 tỷ đồng, theo đó, khối hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2019 sẽ phải bán trong khoảng 3 quý.

Về cách ghi nhận giá trị hàng tồn kho, nội dung thuyết minh tại báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Camimex cho biết, hàng tồn kho được ghi nhận theo giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được. Trong đó, giá trị thuần có thể thực hiện được là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất - kinh doanh bình thường trừ chi phí ước tính để hoàn thành và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng.

Chí Tín
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục