Cấm CTCK hợp tác chiến lược: Nên hay không?

(ĐTCK-online) Cùng với việc tư vấn phát hành, tư vấn niêm yết cho DN, việc mua lượng lớn cổ phần và trở thành đối tác chiến lược tại DN được tư vấn là cách thức nhiều CTCK đang lựa chọn.
Hiện tại, không có quy định nào cấm hay hạn chế CTCK trở thành đối tác chiến lược của tổ chức phát hành mà CTCK đó tư vấn (Ảnh minh họa) Hiện tại, không có quy định nào cấm hay hạn chế CTCK trở thành đối tác chiến lược của tổ chức phát hành mà CTCK đó tư vấn (Ảnh minh họa)

>> Kinh doanh thua lỗ, CTCK sẽ bị thu bớt nghiệp vụ 

Ở chiều ngược lại, DN mong muốn gắn kết trách nhiệm của CTCK trong việc nâng tầm DN thực hiện các kế hoạch kinh doanh lớn như phát hành tăng vốn, niêm yết… thông qua hình thức hợp tác chiến lược này. Nhưng cùng với thời gian, ngày càng có nhiều người đặt nghi vấn rằng, việc hợp tác này, nếu không được giám sát chặt chẽ, có khả năng biến tướng thành chiêu thức câu kết làm giá giữa DN và CTCK.

Ông Hoàng Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBCK cho biết, khi Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực, CTCK có thể sẽ chỉ được mua cổ phần của DN tư vấn với tư cách là cổ đông lớn, chứ không được mua theo tư cách NĐT chiến lược (xem bài Kinh doanh thua lỗ, CTCK sẽ bị thu bớt nghiệp vụ trên ĐTCK số 95). Tuy nhiên, quan điểm này nhận được nhiều ý kiến chưa đồng tình từ một số chủ thể trên thị trường.

 

Nở rộ mối quan hệ chiến lược

Sau khi tư vấn cho CTCP Đức Long Gia Lai niêm yết thành công, CTCK Sacombank-SBS đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với DN này. Theo đó, Sacombank-SBS sẽ triển khai huy động các nguồn vốn trên TTCK phục vụ cho việc phát triển của Đức Long Gia Lai như phát hành trái phiếu, tài trợ dự án (chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, bất động sản, cao su, khoáng sản, cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT, BT…), bảo lãnh phát hành cổ phiếu, kết nối doanh nghiệp với NĐT…

CTCK Thăng Long (TLS) là một trong những CTCK lựa chọn nhiều đối tác chiến lược là DN mình tư vấn. Trong tháng 6/2010, CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) công bố thông tin chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 3 triệu cổ phần cho TLS (đơn vị thực hiện tư vấn) và Ngân hàng HDbank. Trước đó, CTCP Tập đoàn Hoàng Long (HLG) ký kết hợp tác chiến lược với TLS với nhiều nội dung, trong đó có thỏa thuận tham gia đầu tư mua cổ phiếu của Tập đoàn.

Tháng 4/2010, CTCK Sài Gòn (SSI) đã trở thành đối tác chiến lược của CTCP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử - viễn thông (ELCOM), với việc nắm giữ 700.000 cổ phần của DN này. Cách đây vài năm, SSI trở thành cổ đông chiến lược của một DN hoạt động hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực tài chính: CTCP Thủy sản Hùng Vương. Sau khi trở thành cổ đông chiến lược, SSI đã hỗ trợ Hùng Vương tái cấu trúc, huy động vốn và thực hiện niêm yết cổ phiếu trên HOSE và mua lại CTCP Thủy sản An Giang...

Hiện tại, không có quy định nào cấm hay hạn chế CTCK trở thành đối tác chiến lược của các DN mà CTCK đó tư vấn. Vì thế, nhiều CTCK đã lựa chọn cách này nhằm đầu tư vào DN trước khi DN đó lên sàn. Do kém thanh khoản, thiếu thông tin để định giá, giá cổ phiếu trên thị trường OTC thường chưa phản ánh đúng giá trị thật, nên việc đầu tư vào cổ phiếu trước khi chào sàn được nhiều NĐT lựa chọn. Đối với CTCK, nếu mua được cổ phiếu với tư cách NĐT chiến lược thường có lợi thế là được ưu đãi về giá.

 

Quan điểm từ thị trường

Theo ông Nguyễn Thọ Phùng, Phó tổng giám đốc CTCK Vietinbank, trên thực tế vừa qua có hiện tượng một số CTCK trong quá trình tư vấn nắm được những thông tin mà cổ đông bình thường không tiếp cận được và trở thành đối tác chiến lược của DN đó. Do sở hữu cổ phần nên việc đưa thông tin về DN ra công chúng của CTCK có thể thiếu khách quan. Tuy nhiên, ông Phùng cho rằng, nhìn ở góc độ khác thì CTCK khi trở thành đối tác chiến lược có vai trò lớn trong việc tạo lập thanh khoản cho cổ phiếu, hỗ trợ DN những vấn đề liên quan đến tài chính, quản trị DN. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý có quan điểm không cho CTCK trở thành đối tác chiến lược của DN mà công ty tư vấn nhằm đảm bảo CTCK giữ vai trò độc lập, khách quan trong quá trình tư vấn, thì cần xem xét lại.

Đại diện CTCK Rồng Việt cho rằng, mặc dù không tương đồng về ngành nghề, nhưng CTCK trở thành đối tác chiến lược của DN có thể tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng như: tái cấu trúc công ty, tìm cách huy động vốn, lành mạnh hóa tài chính... Mặt khác, trong vai trò là nhà tư vấn, CTCK có đối tác, khách hàng trong nhiều lĩnh vực nên có thể giới thiệu đối tác cho DN mà họ là cổ đông chiến lược. Theo ý kiến này, CTCK trở thành đối tác chiến lược cho các DN mình tư vấn có vai trò và ý nghĩa quan trọng với sự phát triển dài hạn của DN.

Giám đốc một CTCK tại Hà Nội bình luận, nếu nhìn nhận rằng, mục đích cao nhất của việc CTCK trở thành đối tác chiến lược của DN được tư vấn là mua cổ phiếu giá rẻ, sau đó cùng lãnh đạo DN trục lợi (bán ra để kiếm bộn tiền từ thị trường), là chưa thỏa đáng. Thực tế, TTCK Việt Nam có trên 100 CTCK, sự cạnh tranh giữa các CTCK trong việc mời DN dùng dịch vụ của mình là rất gay gắt, nên bản thân khách hàng luôn có nhiều sự chọn lựa. Không chỉ CTCK mà cả phía DN, khi xác định tăng vốn hay lên sàn, đa số đều tính đến triển vọng phát triển dài hạn, nên không dễ để họ chấp thuận một phương án hợp tác "ma mãnh" nào đó, để trục lợi cá nhân. Bản chất TTCK là công bằng và không có hành vi trục lợi nào có thể bị che dấu mãi mãi cả.

Một số chuyên gia tài chính thì cho rằng, hiện nay, vẫn có cách hiểu nhầm giữa nhà đầu tư tài chính và cổ đông chiến lược. Do đó, điều quan trọng là cần xây dựng tiêu chí cụ thể về đối tác chiến lược áp dụng từng loại hình DN. NĐT tài chính thường chỉ bỏ vốn vào DN và trong một số trường hợp, tùy vào tỷ lệ sở hữu, họ có thể cử đại diện vào HĐQT. Trong khi đó, NĐT chiến lược khi đã bỏ một lượng vốn nhất định để sở hữu một tỷ lệ đáng kể trong DN, sẽ cố gắng cải thiện năng lực và vị thế cạnh tranh của công ty. Tuy nhiên, NĐT chiến lược cần gắn trách nhiệm với Dn lâu dài, nếu không quy định về thời gian hoặc quy định quá ngắn, sẽ chính là kẽ hở để câu kết, trục lợi.     

Trần Trung
Trần Trung

Tin cùng chuyên mục