Lỗ lớn làm xói mòn nguồn lực quốc gia
Với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư “bốc hơi” tại nhiều nhiều dự án lớn, một số tập đoàn, tổng công ty từng được coi là “quả đấm thép” của nền kinh tế, là trụ cột của khu vực kinh tế nhà nước, đang trở thành tội đồ lớn nhất làm xói mòn nguồn lực quốc gia.
Trong số đó, phải kể tới Dự án xơ sợi Đình Vũ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng đang trong cảnh “chết lâm sàng”; Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên có vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, 4 năm hoạt động thua lỗ 2.000 tỷ đồng, nhà máy trị giá 12.000 tỷ đồng “sống dở chết dở”; Nhà máy Đạm Ninh Bình sau 4 năm đi vào hoạt động đã phải dừng sản xuất do liên tục thua lỗ, tạo ra hệ lụy xã hội nghiêm trọng khi 400 trong tổng số 1.000 nhân công phải nghỉ việc, chờ ngày tái sản xuất và thiệt hại kinh tế còn lớn hơn nhiều. Hay Dự án Nhà máy Nguyên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ với vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng đang nằm bất động, mặc cho thời gian tàn phá các thiết bị nghìn tỷ đồng…
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những con số kể trên cho thấy hiệu quả sử dụng đồng vốn và năng suất lao động trong khu vực nhà nước vốn đã thấp, nay lại đang giảm một cách đáng báo động.
Đây cũng là một phần lý do, tại tờ trình Quốc hội về Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã phải thẳng thắn thừa nhận tái cơ cấu khu vực nhà nước nói chung và DNNN nói riêng chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo đánh giá của Chính phủ, tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tiến triển chậm và thiếu thực chất, cổ phần hóa DNNN chưa gắn chặt với tái cơ cấu và đa dạng hóa sở hữu, do vậy chưa tạo ra các thay đổi đủ lớn về phạm vi hoạt động, chất lượng quản trị cũng như hiệu quả kinh doanh của khu vực này. Vai trò trực tiếp kinh doanh của Nhà nước vẫn còn rất lớn so với thông lệ quốc tế trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, theo báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Đề án, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN không làm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, bởi quan hệ thân hữu giữa doanh nghiệp với quan chức nhà nước vẫn được duy trì, ngay cả khi doanh nghiệp đã được cổ phần hóa. Thực chất một số doanh nghiệp mới chỉ chuyển đổi hình thức từ DNNN sang công ty cổ phần, khi tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân rất nhỏ, hoặc không có các nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp.
Thay đổi động lực tăng trưởng kinh tế
Trước thực trạng hoạt động kém hiệu quả của khu vực DNNN, Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ đã xác định rõ, tái cơ cấu khu vực này là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, cần tập trung mọi nỗ lực quyết tâm thực hiện.
Trong đó, tập trung tái cơ cấu DNNN theo hướng cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã phê duyệt. Việc thoái vốn nhà nước tại các DN cần được đẩy nhanh một cách thức chất, theo hướng thoái toàn bộ vốn nhà nước tại DN thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định tại các ngành còn lại, đồng thời giảm bớt các ngành nghề quy định nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại các DNNN và sử dụng số vốn đó đầu tư vào một số dự án hạ tầng quan trọng sẽ được thực hiện theo kịch bản tái cơ cấu quyết liệt. Tuy nhiên, các giải pháp này có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của một số bộ ngành, địa phương, dẫn tới nguy cơ bị trì hoãn, hoặc thực hiện không thực chất là rất lớn. Do đó, hơn lúc nào hết, cần phải có sự đổi mới tư duy, sự đồng thuận cao nhất trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để có thể thực hiện trong thời gian tới.