Theo kết quả nghiên cứu vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố trong các kiến giải về giải pháp cải thiện khởi sự kinh doanh, gia nhập thị trường hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ngoài sức ép cạnh tranh, doanh nghiệp còn phải cõng trên vai gánh nặng thể chế.
Một thể chế không tốt có nguy cơ tạo ra 5 loại chi phí cho doanh nghiệp, đó là chi phí thực hiện thủ tục hành chính, phí và lệ phí, chi phí về đầu tư, chi phí cơ hội kinh doanh và chi phí không chính thức. Ðiều này đồng nghĩa với gia tăng chi phí cho sản phẩm và dịch vụ.
“Có rất nhiều điều kiện kinh doanh tưởng như không phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng thực tế thì ngược lại, chẳng hạn quy định về đào tạo trung, sơ cấp, đòi hỏi phải có mặt bằng 0,6 hay 0,8m2 cho một học sinh, hay bắt buộc doanh nghiệp phải có một website, dù họ không cần…”, ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho hay.
Chia sẻ phản hồi của một doanh nghiệp vận tải trong quá trình khảo sát, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Doanh nghiệp được yêu cầu phải cấp phù hiệu cho xe thì mới được vận hành. Chưa cần bàn đến việc có cần thiết hay không, nhưng với gần 50 xe đầu kéo, việc xin giấy phép nếu chậm một ngày tức là cả dàn xe sẽ không vận hành ngày đó.
Doanh nghiệp không còn cách nào khác là cứ lùa xe ra đường để có doanh thu, chấp nhận chịu phạt vì chưa kịp cấp phù hiệu. Những chi phí không chính thức như vậy khiến doanh nghiệp hết sức mệt mỏi và tốn kém”.
Liên quan đến thời gian và các thủ tục khởi sự kinh doanh, gia nhập thị trường, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, hiện các doanh nghiệp tại Việt Nam cần tới 8 thủ tục với thời gian 16 ngày để khởi sự kinh doanh.
Còn theo nghiên cứu của CIEM, chỉ với chi phí thứ nhất là chi phí thực hiện thủ tục hành chính, Việt Nam mất gần 1.000 giờ để trả thuế.
“Khi có ý tưởng kinh doanh, doanh nghiệp phải chuẩn bị cơ sở vật chất, thuê địa điểm, vay vốn ngân hàng…, cộng với việc thực hiện các thủ tục thì thời gian tiếp tục kéo dài. Cứ chậm 1 ngày đi vào hoạt động thì doanh nghiệp chịu thêm 1 ngày chi phí lãi vay.
Nếu cứ nhân lên thì không chỉ làm tăng chi phí cho toàn xã hội, mà còn làm suy giảm động lực của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ðể đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian, chi phí, giúp cải thiện khởi sự kinh doanh và gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, theo đại diện Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), cần liên thông các thủ tục hành chính thông qua việc chia sẻ dữ liệu.
Theo đó, cơ quan này đồng tình với kiến nghị của Ban soạn thảo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi về đề xuất bỏ thủ tục công khai mẫu dấu trên cổng thông tin điện tử quốc gia, giao cho doanh nghiệp toàn quyền tự quản lý và sử dụng.
Về việc mua bán hay tự in hóa đơn, Cục Quản lý kinh doanh cho biết, hiện có đề xuất sau khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh thì tích hợp đơn xin mua hay in hóa đơn cùng với mẫu giấy thành lập doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp nộp đơn này cho cơ quan đầu mối đăng ký kinh doanh thì đồng thời được gửi sang cơ quan thuế để cơ quan này gửi mã số doanh nghiệp ngay sau khi đăng ký kinh doanh.
Cách làm này sẽ giúp giảm thủ tục doanh nghiệp phải gửi đơn cho cơ quan thuế, từ đó giảm thời gian thực hiện các thủ tục từ 10 ngày xuống còn 3 ngày.
Về thủ tục nộp phí môn bài, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ trong Nghị định sửa đổi Nghị định 39 phương án doanh nghiệp có thể nộp thuế môn bài sau 1 năm thành lập để giảm áp lực thuế phí trong thời gian đầu hoạt động.
Với các thủ tục như đăng ký lao động với cơ quan lao động, đăng ký bảo hiểm với cơ quan bảo hiểm xã hội… dự kiến cũng sẽ liên thông tích hợp thông tin giữa các cơ quan này nhằm giảm thời gian thực hiện và chi phí cho doanh nghiệp.
Ðược biết, các đề xuất sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa trong Nghị định liên quan tới khởi sự kinh doanh dự kiến ban hành trong tháng 6 năm nay.