Cải thiện quản trị công ty sẽ cải thiện khả năng tiếp cận vốn

(ĐTCK) Ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhấn mạnh, áp dụng những chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty (QTCT) sẽ nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn, giảm chi phí vốn cho DN, tạo ra các lợi thế cho DN.
Ông Simon Andrews Ông Simon Andrews

>> Vinh danh 30 DN minh bạch nhất HNX 2013

IFC đánh giá về chất lượng QTCT tại Việt Nam như thế nào?

Trong 4 năm qua, IFC đã tham gia góp phần nâng cao chất lượng QTCT ở Việt Nam . Các chuyên gia của IFC đã giới thiệu và tư vấn triển khai một loạt giải pháp can thiệp về nội dung QTCT dựa trên những tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt về QTCT, nhằm góp phần tạo nên một môi trường quản trị mang tính trách nhiệm giải trình, minh bạch và cam kết.

Những can thiệp này chú trọng vào tất cả các lĩnh vực của thị trường, bao gồm các hoạt động nâng cao nhận thức chung, cải thiện các quy định luật pháp, nâng cao năng lực của các tổ chức đào tạo quản trị tư nhân, cùng với các hoạt động tư vấn trực tiếp tại một số DN. Chẳng hạn, về mặt quy định pháp luật, chúng tôi hợp tác với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Diễn đàn QTCT Toàn cầu xây dựng Thẻ điểm QTCT. Nội dung của thẻ điểm này bao gồm việc khảo sát dữ liệu công bố thông tin của 100 công ty niêm yết lớn nhất trên hai sàn chứng khoán (chiếm khoảng 90% tổng giá trị vốn hóa thị trường) trong 3 năm liên tiếp từ 2009 đến 2011. Kết quả khảo sát cho thấy, tình hình QTCT ở Việt Nam nhìn chung còn đang trong giai đoạn sơ khai và cần cải thiện đáng kể về mức độ công khai, minh bạch của DN. Ngoài ra, tuy QTCT về cơ bản đã được thực hiện ở một số DN nhưng thực tế cho thấy, nhu cầu áp dụng tập quán quản trị tốt rộng khắp ở các DN, cũng như nâng cao tầm hiểu biết về những vấn đề quản trị phức tạp vẫn chưa được thể hiện rõ.

 

Theo ông, có điểm tích cực nào đã được tiến hành ở Việt Nam cần phát huy hơn nữa?

Việt Nam đã và đang đạt được một số bước tiến đáng kể. Ví dụ, hai văn bản mới quan trọng về QTCT là Thông tư số 52/2012/TT-BTC về quy định công bố thông tin và Thông tư số 121/2012/TT-BTC về quy chế quản trị DN ở các công ty đại chúng đã được ban hành trong năm 2012. Những bước đi này cho thấy, các cơ quan quản lý tích cực quan tâm đến việc tăng cường và thúc đẩy sự minh bạch của các công ty đại chúng. Điều này đã trực tiếp cải thiện mức độ công khai thông tin nói chung trong báo cáo thường niên năm 2012 của các công ty niêm yết, qua đó nâng cao sự minh bạch thông tin ở những nội dung như cơ cấu cổ đông, thành phần và cơ cấu của HĐQT, thù lao của ban lãnh đạo cấp cao và một số thông tin tài chính khác. Cũng như những NĐT nước ngoài khác, chúng tôi coi việc bảo đảm thông tin chất lượng, chính xác và kịp thời là điều tất nhiên của việc công khai và minh bạch thông tin.

 

Có vẻ như các DN Việt Nam chưa nhìn nhận được hết những lợi ích của QTCT. Theo ông, trách nhiệm này thuộc về ai?

Trách nhiệm chính nằm ở phía DN, vì DN cần hiểu rằng, tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Các nguyên tắc QTCT của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là chuẩn mực QTCT quốc tế dành cho các nhà hoạch định chính sách và công ty, đồng thời có thể sử dụng làm cơ sở hướng dẫn tại Việt Nam. Bộ nguyên tắc OECD ủng hộ việc phát triển các tiêu chuẩn chất lượng cao được quốc tế công nhận, có vai trò nâng cao tính minh bạch và khả năng so sánh của các báo cáo tài chính, cũng như các thông tin tài chính và phi tài chính khác giữa các quốc gia.

Nhà nước với vai trò là cổ đông lớn của nhiều công ty, có nhiều thuận lợi trong việc ủng hộ sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế thông qua người đại diện vốn nhà nước trong HĐQT các công ty. Bộ nguyên tắc OECD cũng nên được áp dụng và đưa vào các điều kiện bắt buộc đối với các DN Việt Nam muốn được niêm yết trên TTCK.

 

Ông có gợi ý gì để những điểm yếu trên được khắc phục?

Trước hết, các DN cần đạt và từng bước vượt lên các yêu cầu pháp lý tối thiểu hiện hành. Chẳng hạn, NĐT muốn có nhiều thông tin hơn nữa về hoạt động của HĐQT, chiến lược, mức độ rủi ro của DN, những sự kiện quan trọng của DN, cũng như các thông tin kế toán, tài chính có chất lượng được thể hiện trong các nội dung chú thích của các báo cáo tài chính. Đồng thời, DN phải bảo đảm để các cổ đông hiện hữu nhận được các thông tin đầy đủ và kịp thời về những vấn đề liên quan đến quyền lợi cổ đông. Chúng tôi tin tưởng rằng, các DN Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường chất lượng QTCT trong thời gian tới, từ đó nâng cao sức mạnh và tính bền vững của toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Hồng Dung thực hiện
Hồng Dung thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.0 0.0% 447 tỷ