Cải thiện quản trị công ty, đã đến lúc cần “roi vọt”

(ĐTCK) “Để các DN Việt Nam thoát khỏi tình trạng ‘đội sổ’ về quản trị công ty trong ASEAN, nhà quản lý cần gia tăng các quy định mang tính bắt buộc doanh nghiệp phải áp dụng, thay vì quá nhiều quy định chỉ dừng ở khuyến khích doanh nghiệp tự giác áp dụng như hiện tại”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) khuyến nghị. 
Ông Nguyễn Hoàng Hải

Tại Lễ vinh danh các doanh nghiệp quản trị công ty tốt trong ASEAN mới đây, Việt Nam không có đại diện trong Top 50 doanh nghiệp niêm yết có chất lượng quản trị công ty tốt nhất. Ông có bất ngờ?

Không, vì các doanh nghiệp Việt Nam tiến một bước về quản trị công ty, thì các doanh nghiệp đầu ngành trong ASEAN chỉ cần tiến nửa bước cũng đạt thứ hạng cao hơn các doanh nghiệp Việt Nam.

Lý do là bởi xuất phát điểm về quản trị công ty của các doanh nghiệp lớn trong ASEAN cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp Việt Nam. 

Nói như vậy thì doanh nghiệp Việt Nam khó có cửa bắt kịp các doanh nghiệp trong ASEAN về quản trị công ty?

Sẽ là như vậy nếu những bất cập của hệ thống pháp lý hiện hành, cũng như ý thức của doanh nghiệp chậm thay đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu chúng ta có cách đi tắt thì sẽ dần thu hẹp khoảng cách, tiến tới bắt kịp các nước trong ASEAN về quản trị công ty. 

Con đường tắt như ông nói là gì?

Còn đường này có điểm xuất phát từ quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của nhà quản lý lẫn doanh nghiệp trong cải cách khung pháp lý về quản trị công ty, cũng như nâng cao ý thức tự giác của doanh nghiệp trong áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty cao của khu vực và thế giới.

"Xuất phát điểm về quản trị công ty của doanh nghiệp Việt Nam thấp so với các doanh nghiệp trong khu vực, nên chúng ta phải có bước đi mạnh mẽ, thì mới có thể dần bắt kịp họ".

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần tận dụng tối đa cơ hội đang sửa đổi Thông tư 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản trị công ty, để đặt ra các nghĩa vụ mới mà các doanh nghiệp phải tuân thủ, tương ứng với đó là bổ sung các chế tài đủ sức răn đe vào dự thảo sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, mà UBCK đang xúc tiến xây dựng.

Tại Hội nghị quản trị công ty ASEAN mới đây, đại diện các nhà quản lý, các doanh nghiệp nhận ra rằng, cơ chế luật pháp có vai trò thúc đẩy quản trị tốt, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, nơi mà mức độ minh bạch còn thấp.

Điều này cho thấy, nếu không gia tăng liều lượng các quy định mang tính bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ về quản trị công ty, nhất là các nghĩa vụ về phân tán, kiểm soát quyền lực của HĐQT, tăng tính minh bạch về hoạt động của HĐQT, gia tăng quyền cho các cổ đông nhỏ, không điều hành…, mà quá trông chờ và sự tự giác tuân thủ của các doanh nghiệp bằng những quy định mang tính khuyến khích họ áp dụng, thì tính khả thi và tốc độ của nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công ty sẽ thấp.

Ngay cả khi nhà quản lý đưa ra những quy định mới về quản trị công ty mang tính bắt buộc doanh nghiệp phải thực thi, đồng thời doanh nghiệp áp dụng đầy đủ những quy định này, thì kinh nghiệm thực tế cho thấy cũng chỉ có thể giúp quản trị công ty được duy trì ở mức sàn.

Do đó, cần có thêm những cơ chế mang tính động lực, khuyến khích các thành viên thị trường, trao quyền nhiều hơn cho các cổ đông trong việc gây sức ép lên Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng quản trị công ty. 

Theo quan điểm của ông thì nhà quản lý cần có biện pháp áp đặt các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp lý mới nhằm nâng cao quản trị công ty, nhưng chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay có sự chêch lệch lớn. Cách nào để hướng đề xuất của ông khả thi hơn?

Như tôi đã nói, xuất phát điểm về quản trị công ty của doanh nghiệp Việt Nam thấp so với các doanh nghiệp trong khu vực, nên chúng ta phải có bước đi mạnh mẽ, thì mới có thể dần bắt kịp họ.

Nếu vì lý do mặt bằng chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay quá chênh lệch, mà chần chừ đưa ra các quy định mới mang tính áp đặt, buộc doanh nghiệp phải thực hiện, thì rất khó tạo ra cách đi tắt để nâng cao chất lượng quản trị công ty.

Để đảm bảo tính khả thi, cần triệt để hơn trong phân lớp doanh nghiệp niêm yết để định ra nghĩa vụ khác nhau về mức độ phải tuân thủ các quy định về quản trị công ty.

Thông tư 121/2012/TT-BTC tuy có phân lớp thành công ty đại chúng quy mô lớn và doanh nghiệp niêm yết, để định ra chuẩn cao hơn về quản trị công ty, nhưng các quy định này chủ yếu mang tính khuyến nghị, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng, chứ không mang tính áp đặt và nếu doanh nghiệp không tuân thủ thì không có chế tài xử lý, nên tính hiệu lực của các quy định này còn thấp.

Tình trạng này cần được khắc phục bằng Thông tư sửa đổi Thông tư 121. Cùng với đó, cần phân lớp các doanh nghiệp niêm yết sâu hơn để thúc đẩy các doanh nghiệp đã đạt được thứ hạng cao về quản trị công ty có bước tiến nhanh hơn, lớn hơn về quản trị công ty, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra các nhóm doanh nghiệp khác. Đây là cách đi tắt để Việt Nam sớm cải thiện thứ hạng về quản trị công ty trong ASEAN.

Hữu Hòe thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục