Giao thoa quy định cũ - mới
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, để cuộc họp ĐHCĐ của doanh nghiệp lần 1 diễn ra, chỉ cần có số cổ đông đại diện cho 51% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp tham dự. Quy định này, theo luật cũ là 65% và đây cũng là tỷ lệ quy định tại Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Thông tư 121/2012/TT-BTC (hiện vẫn chưa có thông tư thay thế).
Để phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014, nhiều doanh nghiệp đã lập tức sửa đổi quy định này trong Điều lệ Công ty ngay trong năm 2015. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, công ty đại chúng có cần khắt khe hơn so với quy định áp dụng chung cho các doanh nghiệp khác?
Với số lượng 3 người, DN không vi phạm quy định tại Luật Doanh nghiệp mới, cũng không vi phạm Thông tư 121, nhưng nếu theo tinh thần sửa đổi của dự thảo thông tư thay thế Thông tư 121, thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu.
Thực tế cho thấy, càng đại chúng hóa, xác suất tổ chức thành công cuộc họp ĐHCĐ ngay trong lần đầu tiên càng giảm đi. Vì thế, quy định có số cổ đông đại diện cho 51% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự sẽ giúp cho các DN thuận lợi hơn trong việc tổ chức các cuộc họp này. Nhưng, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, với các công ty đại chúng nên có quy định chặt hơn để đảm bảo tính minh bạch.
“Tôi nghĩ UBCK nên đưa ra các điều kiện chặt hơn quy định cũ để đảm bảo tăng tính minh bạch và bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ. Không thể nói là vượt luật, mà UBCK nên tư duy theo hướng anh đã vào chợ của tôi, thì phải tuân theo luật chơi của tôi và nó cao hơn các quy định thông thường”, một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực chứng khoán nhận xét.
Cũng theo vị này, nếu cơ quan quản lý không sớm đưa ra văn bản pháp lý mới, sẽ rất khó để yêu cầu DN thực hiện theo tiêu chuẩn minh bạch cao hơn so với các quy định thông thường.
Gần đây, việc một số thành viên HĐQT của một doanh nghiệp lớn đang niêm yết đồng loạt xin từ nhiệm đã dẫn tới việc cả HĐQT chỉ còn 3 thành viên. Trao đổi với ĐTCK, một nguồn tin từ đơn vị này cho biết, nguyên nhân chính là để tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí. Với số lượng 3 người, DN này không vi phạm quy định tại Luật Doanh nghiệp mới, cũng không vi phạm Thông tư 121, nhưng nếu theo tinh thần sửa đổi của dự thảo thông tư thay thế Thông tư 121, thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu.
Sẽ cho doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBCK cho biết, hiện tại, UBCK vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 121 và sẽ cố gắng hoàn thành để trình Bộ Tài chính xem xét phê duyệt kịp mùa ĐHCĐ sắp tới.
Về đề xuất nên nâng cao tiêu chuẩn quản trị cho các doanh nghiệp niêm yết hay không, ông Long cho hay, quan điểm của UBCK là xây dựng đúng với tinh thần của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan khác, nhưng sẽ đồng thời ban hành thêm văn bản hướng dẫn Thông lệ về quản trị công ty tốt (CG) để cho doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn.
Ví dụ, theo quy định, doanh nghiệp phải công bố tài liệu họp ĐHCĐ 10 ngày trước ngày tổ chức họp ĐHCĐ, nhưng theo CG, doanh nghiệp sẽ thực hiện công bố trước 22 ngày làm việc, tức khoảng 1 tháng trước ngày tổ chức họp.
“Tuy nhiên, CG sẽ theo hướng khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn thực hiện, chứ không bắt buộc, để giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong hoạt động. Những doanh nghiệp đã có hệ thống quản trị bài bản, chuyên nghiệp, hướng đến phát triển bền vững khi lựa chọn theo tiêu chuẩn này sẽ không chỉ giúp hoạt động tốt hơn, mà còn làm tăng uy tín trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Tôi tin, một số doanh nghiệp lớn đủ sức làm và sẽ tiên phong trong vấn đề này”, ông Long nói.