Cải tạo chung cư cũ, dân lo “đi dễ khó về“

(ĐTCK) Cải tạo, xây mới chung cư cũ là một trong 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016 - 2020 mà TP.HCM đã đặt ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tuy nhiên, chương trình này đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch do bị vướng trong khâu di dời, tạm cư cho người dân.
Đi dễ về khó là một trong nhiều nỗi lo khiến các cư dân cố bám trụ lại các chung cư cũ dù nhận thức được nguy hiểm. Ảnh: Trọng Tín Đi dễ về khó là một trong nhiều nỗi lo khiến các cư dân cố bám trụ lại các chung cư cũ dù nhận thức được nguy hiểm. Ảnh: Trọng Tín

Nỗi lòng người ra đi

Giữa tháng 6 vừa qua, UBND quận 1 (TP.HCM) tiếp tục tổ chức hội nghị tiếp xúc, thông tin một số nội dung liên quan đến việc thực hiện phương án di dời, bố trí tạm cư cho các hộ dân ở Chung cư 155 - 157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Tuy nhiên, nhiều cư dân bày tỏ thái độ không hài lòng và yêu cầu làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc chọn nhà tạm cư.

Phản ánh với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các cư dân ở Chung cư 155 - 157 Bùi Viện cho rằng, việc bố trí những nhà tạm cư và mức hỗ trợ chưa thoả đáng khiến họ lâm vào tình cảnh khó khăn và cuộc sống bị đảo lộn.

Ông Hợi, một cư dân sống tại tầng 3 cho biết, gia đình ông chưa thể dời đi là vì nơi tạm cư ở tận xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) quá xa trung tâm.

"Hai vợ chồng tôi không có việc làm ổn định, tôi làm bảo vệ, còn vợ thì làm lao công thu nhập bấp bênh, chuyển về đó rồi vợ chồng tôi biết làm gì mà sống?", ông Hợi nói.

Còn ông Đức, ở tầng 6 cũng chia sẻ, là cựu chiến binh và có thời gian gắn bó với “ngôi nhà chung” này đến nay đã hơn 40 năm, vì vậy kế hoạch di dời giải tỏa khiến cuộc sống của ông gặp khó khăn.

"Biết là nguy hiểm phải di dời đi, chúng tôi đồng tình chuyển đi, nhưng mong chính quyền hãy xem xét lại, phải bố trí nơi tạm cư phù hợp và đền bù thoả đáng cho chúng tôi", ông Đức nói.

Cải tạo chung cư cũ, dân lo “đi dễ khó về“ ảnh 1

Nhìn bên ngoài vẫn còn chắc chắn, nhưng kết cấu bên trong Chung cư 
155 - 157 Bùi Viện đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Tín

Ngoài những khó khăn về việc tạm cư ở những khu vực xa trung tâm, nỗi lòng của người ra đi và chưa biết bao giờ về cũng là tâm trạng chung của nhiều hộ dân ở chung cư này. Nhiều câu hỏi về việc tái định cư, mức hỗ trợ đền bù và quan trọng là bao giờ họ được quay về là câu hỏi vẫn chưa có lời hồi đáp.

Trước đó, qua khảo sát, Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, hiện trạng bên ngoài Chung cư 155 - 157 Bùi Viện chắc chắn, nhưng bên trong đã xuống cấp nghiêm trọng nên đề xuất UNBD Thành phố khẩn trương di dời. Theo kết luận kiểm định chất lượng công trình, chung cư này có chất lượng cấp D - thuộc diện nhà chung cư hư hỏng nặng cần phải phá dỡ.

Trước tình trạng này, UBND quận 1 đã đưa ra quyết định tất cả người dân Chung cư 155 - 157 Bùi Viện sẽ di chuyển ra bên ngoài và được lựa chọn nơi ở mới nằm trong danh sách quỹ nhà tái định cư của Thành phố, hạn cuối là ngày 14/6. Tuy nhiên, hiện đến giờ còn rất nhiều hộ dân vẫn đang bám trụ trong chung cư “chờ sập” này.

Theo phương án tổ chức di dời và bố trí tạm cư đối với các hộ dân tại chung cư trên đã được UBND quận 1 đưa ra, dự kiến các hộ dân tại đây sẽ di dời về tạm cư tại Chung cư Phú Mỹ (quận 7) và chung cư xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Nếu người dân không đồng ý tạm cư tại đây, sẽ được nhận tiền thuê nhà để tự lo nơi ở mới với mức: 4 nhân khẩu trở xuống được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, từ 5 nhân khẩu trở lên sẽ hỗ trợ thêm 1,25 triệu đồng/nhân khẩu/tháng, nhưng không quá 15 triệu đồng mỗi hộ.

"Chính quyền lo lắng cho tính mạng người dân thì nên sớm tìm chủ đầu tư để nhanh chóng triển khai, đừng để như Chung cư Cô Giang, người dân di dời 11 năm vẫn chưa xây dựng", bà Thương, một cư dân tại đây nói.

Một số cư dân khác cùng cho rằng, chính quyền địa phương cần đảm bảo thời gian tạm cư của các hộ dân sau khi di dời không quá 36 tháng để họ sớm ổn định cuộc sống mà không ảnh hưởng đến kế hoạch, tương lai của thế hệ sau.

Chung cư 155 - 157 Bùi Viện tọa lạc trên diện tích đất gần 600 m2 ở vị trí đắc địa bậc nhất phố đi bộ Bùi Viện. Dù tuổi đời chưa tới 50 năm, nhưng với không gian chung chật hẹp, nhếch nhác, nhiều hạng mục được xác định là xuống cấp, nên chính quyền địa phương yêu cầu di dời khẩn cấp.

Trước đó, UBND quận Bình Thạnh và UBND TP.HCM đã có buổi gặp mặt cư dân Khu cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) để bàn về mức giá đền bù và giải pháp để di dời người dân ra khỏi chung cư cũ. Khu cư xá này có 22 lô chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975, nhưng tới nay mới đền bù giải tỏa được 2 chung cư.

Tại cuộc họp, lãnh đạo quận Bình Thạnh đưa ra 2 giải pháp đền bù: Một là đền bù bằng tiền mặt để cư dân đi mua nhà nơi khác sinh sống; hai là tái định cư tại chỗ, hỗ trợ người dân tiền thuê nhà ở tại nơi khác trong quá trình xây dựng dự án, khi dự án xây dựng xong, người dân đóng thêm tiền để có nhà mới.

Tuy nhiên, khi người dân hỏi mức giá đền bù, hoặc tái định cư tại chỗ phải đóng thêm bao nhiêu tiền, thì lãnh đạo quận không trả lời được. Chưa kể, nỗi lòng đi dễ về khó của hàng trăm cư dân chọn tái định cư tại chỗ cùng là một khúc mắc lớn vẫn chưa được tháo gỡ.

Loay hoay tìm giải pháp

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện toàn Thành phố có hơn 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 15 chung cư cấp D (xuống cấp nghiêm trọng), không đáp ứng khả năng chịu lực để sử dụng bình thường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều quận, huyện vẫn chưa chủ động thực hiện, ỷ lại vào Sở.

“Hiện nay, nhiều quận, huyện vẫn đang còn lúng túng, chưa chủ động công việc, có trường hợp chưa làm nhưng lại kêu khó, rồi xin Sở hướng dẫn, nhưng làm sao hướng dẫn khi mà chính các quận, huyện đó cũng chưa biết mình đang gặp những khó khăn gì?”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc thương lượng giá cả bồi thường giữa doanh nghiệp và người dân, bởi nhiều người dân đòi mức giá bồi thường quá cao, khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu. Không tìm được tiếng nói chung, khiến mọi việc trở về vạch xuất phát, mặc dù những chung cư này đang đứng trước nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, công tác di dời, giải tỏa các chung cư cũ, xuống cấp hiện nay quá chậm trễ không chỉ do chính quyền, mà còn do người dân đòi hỏi quá cao.

“Có vẻ như người dân chưa nhận thức hết được mức độ nguy hiểm khi sống tại các chung cư cũ. So với chung cư nghiêng đường Võ Văn Kiệt, những chung cư này nguy hiểm hơn rất nhiều lần”, ông Đực cảnh báo.

Trước sự cấp bách hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền cần có những biện pháp cưỡng chế di dời khẩn cấp để tháo dỡ, xây mới nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Bởi cứ mãi ì ạch triển khai thì kế hoạch “xóa sổ” chung cư cũ, nguy hiểm sẽ đi vào bế tắc.

Chưa kể, mục tiêu giải quyết 50% chung cư cũ đến năm 2020 của UBND TP.HCM có nguy cơ vỡ kế hoạch. Bởi nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà do chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn, thêm vào đó là sự ì ạch trong việc thực hiện của các cơ quan có trách nhiệm. Trong khi đó, hàng loạt những chung cư cấp D vẫn đang còn xếp hàng dài chờ sửa chữa và danh sách chung cư xuống cấp nặng nề ngày một dài thêm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục