Cải cách thủ tục hành chính: Những câu hỏi dễ, nhưng khó trả lời

Ghi nhận những cải thiện đáng kể về thủ tục hành chính, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục đặt câu hỏi về những thủ tục bất hợp lý gửi tới các cơ quan hành chính.
Thủ tục đăng ký kinh doanh gas được cho là còn nhiều bất cập. Ảnh: Hà Minh Thủ tục đăng ký kinh doanh gas được cho là còn nhiều bất cập. Ảnh: Hà Minh

Có cần phức tạp đến thế?

Điểm lại các văn bản quy định các thủ tục hành chính được ban hành ngay trong năm 2018, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã đặt câu hỏi rằng, liệu có cần phải phức tạp đến thế.

Đây không chỉ câu hỏi của riêng ông Tuấn, mà là của hơn 10.000 doanh nghiệptham gia khảo sát về dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2018 do VCCI thực hiện vào cuối năm 2018, với các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực và được ban hành trong năm 2018.

Để lý giải cho câu hỏi này, ông Tuấn đã nhắc đến trình tự, thủ tục rút tiền ký quỹ trong hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Nghị định này cho phép doanh nghiệp bán hàng đa cấp được phép rút tiền ký quỹ tại ngân hàng trong một số trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, đã hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định hoặc doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng khác.

Nhưng để rút được tiền ký quỹ, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục để có được sự chấp thuận của Bộ Công thương cho phép rút khoản tiền ký quỹ và nộp bản chấp thuận này cho ngân hàng. Sau đó, khi tới bước rút tiền tại ngân hàng đã ký quỹ, doanh nghiệp phải cung cấp cho ngân hàng bản chính văn bản chấp thuận của Bộ Công thương, đồng thời, ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ có trách nhiệm xác nhận với Bộ Công thương bằng văn bản trước khi cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ.

Trong thủ tục này, ngân hàng đã có văn bản chấp thuận của Bộ Công thương, nhưng trước khi cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ, ngân hàng vẫn phải quay trở lại xin xác nhận của Bộ Công thương. Như vậy, Bộ Công thương đã phải xác nhận 2 lần cho việc rút tiền ký quỹ.

“Mặc dù việc rút tiền ký quỹ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của nhiều chủ thể và cần phải kiểm soát chặt, nhưng sự trùng lặp và phức tạp trong quy trình thủ tục rút tiền ký quỹ này là chưa hợp lý, khiến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể”, ông Tuấn bình luận.

Biết thực hiện thế nào?

Mặc dù khó khăn trong thực hiện thủ tục, song các doanh nghiệp trên còn… “biết đường để đi” và vẫn còn quá may mắn so với những trường hợp không có quy định nào về trình tự thực hiện.

“Một số thủ tục hành chính được nêu trong các văn bản mà không có quy định nào về trình tự thực hiện, tức là thiếu hoàn toàn các yếu tố cấu thành cần phải có của một thủ tục hành chính. Khi gặp các dạng quy định này, doanh nghiệp không tài nào biết được cách thức thực hiện thủ tục”, ông Tuấn phân tích khi nhìn lại dòng chảy pháp luật năm 2018.

Đơn cử, thủ tục hành chính trong trường hợp ngoại lệ khi cải tạo, nâng cấp công trình vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt tại Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Điều 9 của nghị định này quy định: “Khi cải tạo, nâng cấp công trình vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt, chủ đầu tư dự ánphải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thực hiện”.

Nhưng vấn đề là, làm thế nào để có được sự chấp thuận này thì Nghị định 56/2018/NĐ-CP không quy định, cũng không dẫn chiếu tới văn bản nào có quy định về vấn đề này.

Những quy định kiểu không biết làm thế nào cho đúng như vậy lâu nay vẫn bị coi là tạo dư địa rất lớn cho tình trạng nhũng nhiễu từ các cán bộ thực thi.

Vấn đề khác là tình trạng  thiếu quy định về thời hạn thực hiện cho các bước thủ tục. Chẳng hạn, trong trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí quy định tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí, thương nhân đáp ứng các điều kiện phải gửi một bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp thương nhân chưa đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có văn bản yêu cầu bổ sung. Nhưng, Nghị định 87/2018/NĐ-CP không có quy định về thời hạn mà cơ quan nhà nước xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Điều này có thể khiến thủ tục cấp phép bị kéo dài, nhưng doanh nghiệp cũng không dễ dàng có ý kiến góp ý. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp than phiền, chính khoảng thời gian này, họ bị hành nhiều hơn, bị yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ…

Điều đáng nói là, những vấn đề tưởng như nhỏ, dễ giải quyết này lại đang tạo cản trở lớn đối với con đường cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Một quy định về thủ tục hành chính thông thường sẽ bao gồm quy định về các khoảng thời gian tối đa cho từng bước thực hiện thủ tục, từ thời điểm nộp hồ sơ đến xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, thẩm định hồ sơ và cuối cùng là trả lời. Việc quy định rõ các thời hạn này sẽ giúp các đối tượng thực hiện thủ tục nhận biết được thời gian cũng như giám sát việc thực thi của các cán bộ nhà nước.

Do tính tuần tự về thời gian, chỉ cần một khoảng thời gian nào đó không được quy định trong chuỗi này có thể dẫn tới việc kéo dài, trì hoãn toàn bộ thủ tục.

Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI, khá nhiều thủ tục ban hành năm 2018 lại không thực sự đầy đủ các thời hạn trên, thường xuyên nhất là thiếu khoảng thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Đây là một khoảng thời gian tuy nhỏ, nhưng lại rất quan trọng, bởi thời gian thẩm định hồ sơ và ra quyết định đều dựa vào thời điểm “nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ”, chứ không phải là thời điểm “nhận hồ sơ”.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục