Cải cách hành chính chậm, trách nhiệm người đứng đầu

(ĐTCK) “Phấn đấu đến quý II/2013, công bố được chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2012 của các bộ, địa phương. Thông qua chỉ số CCHC, các bộ, ngành, địa phương cần có những chỉ đạo cụ thể để khắc phục điểm yếu, nâng cao chỉ số cho những năm tiếp theo”.
Cải cách hành chính chậm, trách nhiệm người đứng đầu

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ công bố chỉ số CCHC do Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội đầu tuần này.

Cải cách hành chính chậm, trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1Dự kiến đến giữa năm 2013 sẽ công bố Bộ chỉ số cải cách hành chính trên toàn quốc

Coi trọng đánh giá từ bên ngoài

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án "Xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương", chỉ số CCHC được xây dựng bám sát nội dung của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 với các tiếp cận hệ thống từ các lĩnh vực CCHC tới các tiêu chí và tiêu chí thành phần tương ứng.

Cụ thể, đối với cấp bộ, Chỉ số CCHC được thiết kế với 7 lĩnh vực, gồm: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ chế hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập và hiện đại hóa hành chính.

Đối với cấp tỉnh, Chỉ số CCHC được thiết kế với 8 lĩnh vực theo đặc điểm tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC tại địa phương; gồm: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Phương pháp đánh giá của Chỉ số CCHC là kết hợp giữa đánh giá bên trong nội bộ cơ quan hành chính với đánh giá từ bên ngoài. Bộ chỉ số CCHC được thực hiện theo chu kỳ đánh giá là một năm. Điểm tự đánh giá của các bộ, các tỉnh sẽ được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là điểm do Bộ Nội vụ thực hiện. Tổng hợp điểm qua điều tra xã hội học và điểm Bộ Nội vụ đánh giá là căn cứ để tính tỷ lệ phần trăm giữa tổng điểm đạt được và tổng điểm tối đa (100 điểm).

 

Cơ sở để đánh giá người đứng đầu

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Sự yếu kém, tồn tại của CCHC chính là ở phương pháp, cách làm, ở yếu tố con người, quyết tâm chính trị của người đứng đầu”. Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, CCHC đã có nhiều bước tiến nhưng nhìn chung vẫn còn gây nhiều phiền hà cho người dân và DN. Về thủ tục hành chính, về cơ chế 1 cửa vẫn còn nhiều điểm khiến người dân và DN chưa hài lòng, nhất là sự công khai, minh bạch. Phó Thủ tướng nêu rõ, tăng cường công tác kiểm tra kết quả triển khai của bộ, ngành, địa phương là cơ sở quan trọng để đánh giá người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, các ngành.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, Bộ chỉ số CCHC được công bố lần này là kết quả sau khi thực hiện thí điểm tại 3 Bộ gồm: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và 6 tỉnh: Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Thái Bình, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Tĩnh. Với thang điểm 100, Bộ Công thương đạt cao nhất với 63,7 điểm; Bộ Tài nguyên môi trường đạt thấp nhất với 52,32 điểm. Trong 6 tỉnh thì Cần Thơ đạt cao nhất với 82,08 điểm; Thái Bình đạt thấp nhất với 62,79 điểm.

Việc thực hiện đánh giá, xếp hạng các cơ quan công quyền thông qua chỉ số CCHC sẽ giúp Chính phủ có thêm một công cụ trực tiếp theo dõi, đánh giá, quản lý kết quả thực hiện CCHC, khắc phục những yếu kém và thúc đẩy CCHC.

Căn cứ vào các chỉ số đạt được, sẽ có sự xếp hạng 63 tỉnh, thành trong cả nước và 21 bộ, cơ quan ngang bộ. Bên cạnh ý nghĩa là thông qua việc nhận kết quả chỉ số cụ thể thì từng bộ, từng tỉnh có thể biết được tiêu chí thành phần nào mà bị đánh giá cho điểm thấp để căn cứ vào đó có các biện pháp để khắc phục. Đó là ý nghĩa hết sức quan trọng để triển khai CCHC có hiệu quả, theo hướng dịch vụ hoá các thủ tục hành chính.      

 

Hà Nội: chỉ 53,3% hài lòng khi gõ cửa “công quyền”

Ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, từ tháng 6/2012, TP. Hà Nội đã tiến hành điều tra xã hội học lần đầu tiên với 3.000 phiếu được phát ra cho người dân và DN. Phạm vi điều tra tại 25 quận, huyện, thị xã với 50 xã, phường và 7 sở, ngành (Sở Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế Hà Nội).

Kết quả điều tra cho thấy, mức độ hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính ở xã, phường lại cao hơn ở quận, huyện, sở, ngành. Tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng đạt 53,3%, còn lại là bình thường (36,8%) và không hài lòng (9,9%).

Trong đó, lý do không hài lòng được người dân nêu ra là phải đi lại, bổ sung giấy tờ nhiều lần (57,3%); trả kết quả sai hẹn (35,9%); cán bộ không đúng mực khi giao tiếp (24%) và có cán bộ gây khó khăn, vòi vĩnh (23,4%).

Mới đây, Thành ủy Hà Nội tiếp tục phát phiếu điều tra xã hội học nhằm đánh giá mức độ hài lòng của người dân, DN khi đến làm thủ tục hành chính tại 5 sở: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính, Xây dựng. Mục đích của đợt này là qua điều tra, sẽ đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm nhằm góp phần đảm bảo và phát huy hiệu quả công tác cải cách hành chính của thủ đô trong thời gian tới.

Minh Nhật
Minh Nhật

Tin cùng chuyên mục