Cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu an sinh bền vững

(ĐTCK) Suốt chiều dài hoạt động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã đạt được những thành tựu đáng mừng, góp sức không nhỏ vào việc đảm bảo an sinh xã hội, kinh tế, chính trị. Đứng trước sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng, những cơ hội và thách thức chung của đất nước, BHXH Việt Nam vẫn luôn đổi mới để bắt nhịp.
Cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu an sinh bền vững

“Thắng không kiêu”

Trong thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

Trong suốt thời kỳ thực hiện đổi mới, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1995 đến nay, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, chính sách BHXH đã được thể chế hóa theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn về chế độ, chính sách, về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính.

Cụ thể: Đã hình thành hệ thống chính sách BHXH khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế. Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động, Quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH.

Theo chia sẻ của đại diện BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 5 năm 2013 - 2017, BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác thực hiện chính sách BHXH và đã đạt được những mục tiêu cơ bản. Đối tượng tham gia BHXH tăng mới được 3,25 triệu người so với năm 2012 (tăng 30,8%), bình quân mỗi năm tăng khoảng 650.000 người (6,2% năm). Đến hết năm 2017, số người tham gia BHXH là 13,82 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,3 triệu người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH), đạt 25,8% so với lực lượng lao động; số người tham gia BHTN đến hết năm 2017 là gần 11,8 triệu người đạt 22% so với lực lượng lao động.

Bình quân hàng năm giải quyết cho trên 150.000 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, đưa tổng số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng tại thời điểm 31/12/2017 lên gần 3,2 triệu người, tăng 18,7% so với năm 2012; trên 8,5 triệu lượt người hưởng các khoản trợ cấp một lần, ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; tổ chức chi trả chế độ bảo hiểm tự nguyện cho trên 700.000 lượt người. Chính sách BHXH đã thực sự trở thành trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Diện bao phủ BHXH không ngừng được mở rộng cả về số người tham gia và số người thụ hưởng.

Nhìn rõ tồn tại để phát triển

Cũng theo BHXH Việt Nam, bên cạnh những thành tựu nêu trên, việc tổ chức thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách BHXH cũng còn nhiều hạn chế như: Độ bao phủ BHXH tăng chậm, chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn...

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết, đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, chính sách BHXH đều được coi là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Bởi vì chính sách BHXH ngoài ý nghĩa về kinh tế, xã hội còn có ý nghĩa chính trị do phạm vi tác động rộng lớn, không chỉ đối với người lao động đang làm việc mà cả người lao động đã hết tuổi lao động; không chỉ lao động khu vực chính thức mà cả lao động phi chính thức.

“Trong thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Thể hiện ở hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hoá dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục.

Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa”, ông Diệp chia sẻ thêm.

Mặt khác, theo quy định của chính sách BHXH hiện nay, để được hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động cần đáp ứng được đồng thời hai điều kiện là tuổi đời và thời gian tối thiểu tham gia BHXH. Hiện nay, quy định có thời gian tham gia tối thiểu 20 năm để hưởng chế độ hưu trí cũng gây trở ngại nhất định cho việc mở rộng đối tượng bao phủ của BHXH.

Về vấn đề này, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dự báo đến năm 2021, Việt Nam sẽ có nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH nếu không cải cách chính sách. Hơn nữa, Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị phấn đấu đến năm 2020 phải có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, nhưng đến nay, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, con số này mới đạt khoảng 29%.

“Như vậy, chúng ta sẽ không đạt được yêu cầu 50% lực lượng tham gia BHXH. Nếu không cải cách sẽ không giải quyết được bài toán này. Mặt khác, chúng ta bắt đầu kết thúc thời kỳ dân số vàng chuyển sang thời kỳ dân số già hóa. Cung lao động hiện nay đang lớn hơn cầu sử dụng nhưng đến một giai đoạn nào đó, cung lao động sẽ ít hơn cầu sử dụng. Nếu chúng ta không kéo dài thời gian lao động, không cố gắng có các giải pháp khắc phục những tồn tại trên thì chắc chắn, chính sách bảo hiểm sẽ có vấn đề”, ông Lợi cho biết.

Nhất Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục