Nếu nói về IFRS 17 một cách đơn giản nhất, bà sẽ chia sẻ điều gì?
IFRS là “gốc” của vấn đề. IFRS tạo ra sự thay đổi về bộ mặt của kiểm toán, kế toán. Một sự thay đổi lớn đến mức đòi hỏi phải có sự thay đổi toàn diện ở tất cả các mặt khác để có thể đáp ứng được sự thay đổi của kế toán. Cụ thể đó sẽ là chiến lược, danh mục sản phẩm, con người, hệ thống, quy trình…
Bà Vanessa Lou.
Nghĩa là tạo ra sự thay đổi toàn diện về mặt hoạt động và vận hành của doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn về hoạt động của công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, đây là cơ hội tái cấu trúc lại những danh mục sản phẩm, chiến lược cũng như cách thức đang vận hành. Một chiến lược kinh doanh mới sẽ mang lại thành công mới cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Với một khối lượng lớn như vậy, rõ ràng IFRS nói chung và IFRS 17 nói riêng đang mang đến quá nhiều thách thức?
Đúng vậy, IFRS 17 giới thiệu những yêu cầu mới sẽ mang đến những thách thức thực hiện độc nhất cho các công ty bảo hiểm như tính toán các chỉ tiêu tài chính (CSM), cấp độ nhóm hợp đồng, sự sẵn có của dữ liệu, chuyển tiếp, điều chỉnh rủi ro, phân bổ chi phí…
Tuy nhiên, tôi cho rằng, con người là yếu tố thách thức lớn nhất bởi vì các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải tìm được người có những hiểu biết phù hợp, mức độ chuyên sâu phù hợp về IFRS 17 vốn là điểm mới với những quy trình, kiến thức, sự vận hành.
Ngoài ra, còn phải tìm được rất nhiều người có khả năng, có hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau như kế toán, chuyên gia về tính toán bảo hiểm, chuyên gia về công nghệ thông tin… trong khi thị trường bảo hiểm không lớn nên những người có độ chuyên sâu phù hợp không nhiều và sẵn sàng trên thị trường. Do vậy, việc tìm kiếm con người ngày càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh quy mô thị trường phát triển nhưng quy mô nguồn nhân lực đặc thù cho thị trường này không nhiều.
Vậy, đâu là lợi ích khi doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng IFRS?
Mặc dù có nhiều thử thách nhưng khi áp dụng thành công IFRS dự kiến sẽ có một hệ thống báo cáo tài chính chuẩn và thống nhất giữa các công ty bảo hiểm khác nhau và giữa các thị trường của các quốc gia khác nhau.
Những báo cáo được lập trong một quốc gia có sự tương đồng, nhưng giữa các quốc gia khác nhau sẽ rất khác như ở Việt Nam và Singapore đã rất khác nhau. Bởi Việt Nam có chuẩn mực kế toán Việt Nam trong khi Singapore đang áp dụng IFRS.
Dự kiến áp dụng chuẩn mực chung là IFRS 17 trong thời gian tới thì lúc đó có sự thống nhất, chuẩn hóa và cách thức lập báo cáo tài chính cho các công ty bảo hiểm. Khi đó cho phép người đọc báo cáo tài chính có sự so sánh được giữa các báo cáo của các công ty bảo hiểm khác nhau đến từ các quốc gia khác nhau.
Sự so sánh trên cơ sở chuẩn mực thống nhất sẽ giúp người đọc có hiểu biết có ý nghĩa, hữu ích hơn, hiểu được những thông số, những thông tin tài chính, từ đó phục vụ cho quyết định của họ như nhà đầu tư thì thông qua báo cáo tài chính phục vụ mục đích đầu tư; cơ quan quản lý thì sẽ phục vụ mục đích quản lý, ra các văn bản luật… mục đích riêng.
Theo bà, hành trình IFRS 17 ở Việt Nam nên như thế nào?
Tôi được biết Việt Nam có kế hoạch áp dụng IFRS trước năm 2025 thay thế các chuẩn mực VAS hiện hành. Vào tháng 5/2017, Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) đã ban hành chuẩn mực IFRS 17 quy định về các hợp đồng bảo hiểm, theo dự kiến mới nhất sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Do vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch áp dụng IFRS 17. Việc lên kế hoạch sớm sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm hoạch định được các công việc cần làm cũng như những nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện để sớm tìm kiếm và phân bổ nguồn lực cho việc thực hiện dự án.
Tôi cho rằng, cách tốt nhất để thực hiện IFRS 17 là làm theo hướng “đi lùi”. Đầu tiên là suy nghĩ về “thế giới mới” sẽ như thế nào vào năm 2022, sau đó suy nghĩ về cái bạn có thể/cần phải làm bây giờ (2018) để đạt đến đó một cách đúng thời gian và được kiểm soát tốt. Thực hiện một dự án IFRS 17 cho bạn cảm giác như vừa bước qua một cây cầu vừa đồng thời xây cây cầu đó.
IFRS nói chung Việt Nam chưa áp dụng chứ chưa nói đến IFRS 17. Theo bà, kinh nghiệm quốc tế nào Việt Nam có thể học hỏi?
Có 3 yếu tố có thể học hỏi được từ Malaysia:
Thứ nhất, phải có được sự đồng thuận giữa các bên liên quan trong việc thực hiện dự án này bởi dự án này cần rất nhiều nguồn lực đến từ các phòng ban khác nhau: phòng tài chính kế toán, phòng tính toán bảo hiểm, phòng công nghệ thông tin… Cách để đạt được sự đồng thuận là cần phải xác định được người quản trị dự án. Đây là người đóng vai trò xuyên suốt, lớn nhất để lựa chọn các cá nhân ở các lĩnh vực tham gia dự án và giao trách nhiệm cho những người trưởng nhóm này.
Thứ hai, nhìn vào cơ sở dữ liệu, hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin mà công ty bảo hiểm đang có để biết được vị trí hiện tại đang ở đâu, từ đó, xác định thêm những yêu cầu về mặt dữ liệu, khả năng của hệ thống đáp ứng được đến mức độ nào. Xác định được vị trí hiện tại và mốc hướng đến, xác định được khoảng cách và lên kế hoạch để thu hẹp khoảng cách đó.
Thứ ba, việc tuyển người mới và giữ người cũ.
Giữ người cũ, đặc biệt là những người thực sự có tiềm năng làm việc, doanh nghiệp phải có một kế hoạch rõ ràng, không chỉ là lương thưởng, còn phải cho họ thấy rõ cơ hội nào có thể nhận được khi ở lại đây như cơ hội học hỏi, phát triển hơn nữa khi tiếp tục đồng hành cùng công ty. Đây là việc nhất thiết phải làm để giữ chân nhân tài.
Chấp nhận tuyển người của nhau trong cùng một ngành. Tuyển ở những lĩnh vực ngoài bảo hiểm nhưng gần với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán như công nghệ thông tin là ví dụ. Tuyển vào rồi sẽ đào tạo thêm.