Thưa ông, hiện nay Việt Nam sử dụng phương pháp tính GDP nào? Vì sao lại chọn phương pháp đó, mà không chọn phương pháp khác?
Hệ thống Tài khoản quốc gia của Thống kê Liên hợp quốc đưa ra 3 phương pháp tính GDP, bao gồm: phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập.
TCTK tính toán và công bố GDP theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng theo quý và năm. GDP theo phương pháp thu nhập được tính toán và công bố 5 năm một lần khi tiến hành thu thập thông tin để lập bảng cân đối liên ngành cho toàn bộ nền kinh tế.
Việc áp dụng phương pháp nào trong biên soạn GDP phụ thuộc vào tính sẵn có của thông tin, khả năng tiếp cận thông tin, nguồn lực phân bổ cho quá trình thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin.
Để biên soạn GDP theo phương pháp thu nhập, đòi hỏi khối lượng thông tin lớn và chi tiết từ điều tra doanh nghiệp chuyên sâu, liên quan đến nhiều lĩnh vực và nhiều nguồn khác nhau mà nguồn thông tin hiện tại không thể đáp ứng để áp dụng phương pháp này theo quý và năm, nên tính toán GDP theo phương pháp thu nhập được thực hiện 5 năm/lần.
Còn tính toán GDP hàng quý, hàng năm, thì sử dụng phương pháp sản xuất do nguồn thông tin thu thập từ sản xuất thường chính xác, đầy đủ hơn so với nguồn thông tin về cầu phục vụ cho biên soạn GDP theo phương pháp sử dụng.
Nếu tính GDP hàng quý, hàng năm theo phương pháp sử dụng, quy mô nền kinh tế có thay đổi không và thay đổi thế nào, thưa ông?
Về mặt lý thuyết, áp dụng 3 phương pháp tính GDP luôn cho một kết quả thống nhất.
Tuy nhiên, trong thực tế, do tiếp cận dưới các góc độ khác nhau từ sản xuất, sử dụng và phân phối, nên các nguồn thông tin dùng để tính toán GDP của 3 phương pháp cũng khác nhau. Do đó, kết quả tính toán GDP có chênh lệch.
Do tính sẵn có của nguồn số liệu nên phương pháp sản xuất thường được sử dụng đầu tiên và chính thức, số liệu GDP theo phương pháp sản xuất là số liệu chính thức và được dùng để điều chỉnh số liệu GDP tính theo phương pháp sử dụng.
Chênh lệch giữa GDP theo phương pháp sử dụng với phương pháp sản xuất được Cơ quan Thống kê của Liên hợp quốc quy định là sai số không quá 6%.
Sai số tính toán GDP giữa phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng của Việt Nam luôn nằm trong giới hạn cho phép.
Có ý kiến cho rằng, cách tính GDP của Việt Nam đã lạc hậu, tính không đủ, còn bỏ sót (chưa tính hết tiêu dùng cá nhân về hàng hóa và dịch vụ), nên GDP thực tế có thể cao hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
TCTK luôn tuân thủ nghiêm túc các khuyến nghị của Liên hợp quốc trong quá trình biên soạn GDP, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo khá đầy đủ về mặt phạm vi và quy mô.
Việc bỏ sót có thể xảy ra do các tổ chức và cá nhân không cung cấp đầy đủ, chính xác kết quả sản xuất, kinh doanh của họ. Kết quả biên soạn GDP của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế thừa nhận và sử dụng trong nhiều thập kỷ qua.
Xét về mặt phạm vi, tất cả hoạt động kinh tế đã được quan sát đều được thu thập, thống kê và tính toán vào số liệu thống kê chính thức.
Chỉ tiêu Tiêu dùng cá nhân về hàng hóa và dịch vụ - một yếu tố cấu thành của phương pháp tính GDP theo phương pháp sử dụng, cũng đã được tính từ các nguồn thông tin, bao gồm tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, điều tra chi tiêu của hộ gia đình, tiêu dùng các sản phẩm tự sản xuất tự tiêu dùng và nhà tự có để ở; do đó không bị bỏ sót.
Bên cạnh đó, tương tự nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại một số hoạt động kinh tế chưa quan sát được.
Đối với các hoạt động này, chúng tôi đã nghiên cứu và soạn thảo Đề án “Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam”, nhằm tính toán bổ sung vào quy mô GDP trong thời gian tới.
Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, cách tính GDP của Việt Nam không chính xác. Cụ thể, đối với phần chi tiêu của Chính phủ cho các công trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bị thất thoát, lãng phí; công trình, dự án có tổng mức đầu tư liên tục điều chỉnh tăng; công trình, dự án hoàn thành, nhưng sử dụng kém hiệu quả, không hết công suất, thậm chí không sử dụng được… tất cả đều được tính vào GDP?
“Tiêu dùng của chính phủ” là một trong 4 yếu tố tham gia tính toán GDP theo phương pháp sử dụng (tiêu dùng của chính phủ, tiêu dùng cá nhân, tích lũy và xuất khẩu trừ nhập khẩu) đã được tính đầy đủ.
Còn chi đầu tư của Chính phủ vào các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội để hình thành tài sản cố định không tính trong tiêu dùng của Chính phủ, mà được tính vào tích lũy tài sản.
TCTK căn cứ vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán để tính toán toàn bộ giá trị tài sản được hình thành từ các nguồn vốn đầu tư. Như vậy, chi cho đầu tư và chi tiêu dùng của Chính phủ đều đã được tính toán đầy đủ trong GDP.
Thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng thuộc phạm vi quản lý tài chính. Việc tài sản sử dụng kém hiệu quả, không hết công suất hay không thể sử dụng liên quan đến hiệu quả sử dụng hay năng lực sản xuất của tài sản.
Tác động của các vấn đề này đến GDP là câu chuyện của chất lượng đầu tư và chất lượng tăng trưởng.
Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp FDI được chuyển về chính quốc và lương do doanh nghiệp trả cho người lao động nước ngoài cũng được tính vào GDP, nên GDP không phản ánh đúng bản chất, thưa ông?
GDP là giá trị sản phẩm cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định của toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của tất cả các đơn vị thường trú trong nước.
Doanh nghiệp FDI, người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam trên 1 năm đều là các đơn vị thường trú, do đó, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập từ sản xuất của các đối tượng này theo quy định phải được tính vào GDP.
Chỉ tiêu GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, phản ánh kết quả sản xuất của các đơn vị thường trú của nền kinh tế, không quan tâm đến yếu tố sở hữu các nhân tố tham gia vào quá trình sản xuất.
Vì vậy, kết quả sản xuất của doanh nghiệp FDI, tiền lương của của lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam trên 1 năm cũng được tính trong GDP.
Để phản ánh đúng thu nhập từ sản xuất được tạo ra từ các yếu tố thuộc sở hữu của Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất, theo hướng dẫn thống kê tài khoản quốc gia của Liên hợp quốc, hàng năm, TCTK đều biên soạn GNI (thu nhập từ sở hữu vốn và tài sản nhận được, trừ đi thu nhập từ sở hữu vốn và tài sản phải trả) và công bố trong Niên giám Thống kê.