Cách nào để cứu dự án dầu khí thua lỗ?

(ĐTCK) Tìm kiếm cơ chế tài chính để triển khai các công việc tiếp theo đang là mấu chốt trong xử lý 5 đại dự án thua lỗ của ngành dầu khí.
Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất đang phải dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn, Ảnh: Thanh Hương Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất đang phải dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn, Ảnh: Thanh Hương

Khó vì “không đổ thêm vốn nhà nước vào các dự án thua lỗ”

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện có 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước và Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ - PVTex.

Hai dự án còn lại là Công ty Đóng tàu Dung Quất đang vận hành sản xuất - kinh doanh nhưng bị thua lỗ và Dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn.

Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn thừa nhận, việc xử lý đối với các dự án thua lỗ trong suốt một năm qua chưa có chuyển biến. Mọi hoạt động mới chỉ dừng lại ở tranh luận, thảo luận. Vướng mắc lớn nhất là nguồn tài chính để xử lý.

“Các dự án đều khó khăn, dòng tiền để triển khai tiếp không còn. Các phương án triển khai tiếp đều cần có phương án tài chính, nhưng việc góp vốn tiếp của các cổ đông là doanh nghiệp nhà nước lại cần sự cho phép của các bộ và Nhà nước”, ông Sơn nói.

Chia sẻ thực tế này, Phó tổng giám đốc PVN Ninh Văn Quỳnh cho hay, PVN đã dùng một số nguồn quỹ như tiền lương để lại của các lao động đi làm việc ở nước ngoài để hỗ trợ cho Công ty cổ phần Xơ sợi Đình Vũ (PVTex), nhưng muốn làm nhiều hơn thì khó, bởi quy định hiện hành không cho phép các cổ đông được tăng vốn điều lệ khi công ty cổ phần đang lỗ.

“Trong nội bộ PVN cũng đã thảo luận rất nhiều về vấn đề “Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án nêu trên”, bởi thực tế phải có tiền mới triển khai tiếp các dự án này, nhưng nếu bỏ thêm tiền vào thì vi phạm ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại văn bản số 4171-CV/VPTW vì PVN là doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”, ông Quỳnh nói.

Điểm khó mà PVN nêu ra này cũng được ông Nguyễn Quốc Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Công thương) lý giải rõ ràng. Theo đó, vốn Nhà nước có 2 nguồn, vốn từ ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ Nhà nước. PVN là DNNN nên 1 đồng mà PVN hay doanh nghiệp thành viên mà PVN có góp vốn rót ra nhằm gỡ khó cho các dự án lúc này, xét về nguồn gốc thì vẫn là vốn nhà nước.

Lãnh đạo PVN cũng cho hay, theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, hiện PVN đang có các khoản vay để triển khai các dự án điện, lọc dầu…, nên không được phép cho vay lại với các công ty con dù có các quỹ khác dư dả. Ngay cả tính toán dùng Quỹ Dọn mỏ để có nguồn hỗ trợ cho các dự án cũng vướng vì vẫn được xem là có nguồn gốc vốn nhà nước.

Việc vay ngân hàng của 5 dự án này được chính lãnh đạo PVN thừa nhận là không dễ. Trong quá khứ, Ngân hàng PVComBank (nơi PVN có góp cổ phần) đã cho PVTex vay 60 triệu USD, nhưng hiện còn khoảng 400 tỷ đồng chưa trả được, nên khó lòng vay các ngân hàng khác.

“PVN cần nhanh chóng có báo cáo lại Chính phủ vướng mắc này để có hướng giải quyết”, các chuyên gia có mặt tại cuộc làm việc của Bộ Công thương với PVN về xử lý 5 đại dự án đưa ra khuyến nghị với PVN nhằm sớm có lối thoát để giải các dự án liên quan, thay vì loay hoay ngồi tự giải thích câu chữ trên văn bản.

Tính tới phá sản thêm

Hiện trong 5 dự án nói trên, hướng xử lý được chọn là cho phá sản với Công ty Đóng tàu Dung Quất (DQS) và Dự án Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ. Đối với 3 dự án còn lại là PVTex, Nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất và Nhiên liệu sinh học Bình Phước, mục tiêu là khởi động lại, đưa vào hoạt động và tiến hành thoái vốn.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị đang nắm hơn 60% vốn tại Dự án Nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất cho hay, nhà máy này nếu chạy không có các ưu đãi thì lỗ 150 tỷ đồng, nếu chạy có ưu đãi thì vẫn lỗ 100 tỷ đồng và nếu dừng thì lỗ 200 tỷ đồng. Trong 3 phương án này thì nên chọn phương án ít xấu nhất, nhưng ngay cả như vậy thì vẫn cần phải bỏ thêm tiền vào, nếu không được chi tiền thì đành bán.

Đối với PVTex, để vận hành trở lại, cũng cần bỏ thêm khoảng 250 tỷ đồng, kèm theo hàng loạt yêu cầu đi kèm về bao tiêu sản xuất, tạm hoãn trích khấu hao… Hiện đối tác quan tâm tới việc khởi động lại Nhà máy cũng chỉ gia hạn tới ngày 31/7/2017, sau vài lần gia hạn trước đó, nên chọn phương án nào cũng được đề xuất là chốt sớm.

Được biết, PVN đã cho triển khai đồng loạt việc thuê tư vấn đánh giá tài sản, xây dựng phương án thoái vốn. Theo Tổng giám đốc PVN, dù đây là phương án tiêu cực và không mong muốn, song để thực hiện thì vẫn đòi hỏi phải có chi phí nhất định cho công ty tư vấn, duy trì tài sản, bảo vệ, điện nước với thời gian lên tới 18 tháng đến 2 năm, nên vẫn phải xin phê duyệt để có thể triển khai tiếp.

Chỉ đạo PVN nhanh chóng đưa ra giải pháp cụ thể theo phương án chốt đã được Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án của Chính phủ quyết định để cho các cổ đông được bỏ thêm tiền, đưa một số dự án vào vận hành trước khi thoái vốn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng yêu cầu PVN xây dựng thêm phương án phá sản, thoái vốn ngay để trình Ban Chỉ đạo xem xét.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục