Tăng trưởng ổn định nhờ số hóa
Techcombank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế năm 2021 kỷ lục, đạt hơn 1 tỷ USD, tăng trên 47% so với năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Một trong những lý do chính giúp ngân hàng này đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng, đó là không ngừng tập trung vào chuyển đổi và đầu tư vào công nghệ số để đáp ứng nhu cầu của tập khách hàng ngày càng tăng nhanh.
Theo ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của Techcombank, hiện Ngân hàng đang tập trung vào thực hiện 3 trụ cột chính, bao gồm số hóa, dữ liệu và con người với nhiều sáng kiến mang tính chiến lược đã được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, trải nghiệm khách hàng.
Trong trụ cột số hóa, năm 2021, Techcombank đã triển khai 2 nền tảng ngân hàng số mới dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Với doanh số giao dịch lớn, lên đến 50 triệu giao dịch/tháng, Techcombank đã hợp tác chiến lược với Amazon Web Services (AWS), một công ty thuộc tập đoàn toàn cầu Amazon, làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, giúp trải nghiệm khách hàng được liền mạch và tốt hơn.
Mặt khác, trong điều kiện giao dịch số chiếm chủ yếu, ngân hàng này cũng đẩy mạnh áp dụng quản trị rủi ro, bảo mật. Đáng kể, nền tảng AML phòng chống rửa tiền được Techcombank triển khai trong năm 2021 và được tiếp nối trong năm 2022 sẽ giúp nâng cao năng lực cho ngân hàng.
Nhờ các giải pháp đẩy mạnh số hóa, trong năm 2021, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 1,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,6 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân lần lượt đạt 652 triệu giao dịch (tăng 70% so với năm 2020) và 9,1 triệu tỷ đồng (tăng 80,5%).
Tương tự, tại VPBank, trong năm 2021, các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng số hóa đã nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng mẹ, giảm chi phí hoạt động, đặc biệt nâng cao năng lực tiếp cận và cung cấp dịch vụ không tiếp xúc cho khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội. Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng Ngân hàng mẹ
VPBank đạt 20,2% trong năm qua, cao hơn nhiều so với mức 13% trung bình toàn ngành.
Đáng chú ý, lợi thế từ hoạt động số hóa cũng giúp VPBank tạo ra sự bứt phá trong thu hút lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tỷ trọng CASA của ngân hàng này chiếm tới 23% tổng huy động của toàn ngân hàng. Đây là tỷ trọng cao đáng kể và có sự tăng trưởng mạnh nếu so với mức 13,5% trong năm 2019 và 15,8% trong năm 2020. Đây cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ VPBank giảm chi phí vốn và tăng trưởng hiệu quả.
Tại OCB, với việc sớm đẩy mạnh số hóa toàn diện, kiểm soát tốt chi phí hoạt động, trong năm 2021, ngân hàng này cũng đã duy trì hiệu quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Chỉ tính riêng ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI, trong năm 2021 ghi nhận số người dùng tăng gấp 3 lần, lượng giao dịch tăng hơn 60% và eKYC tăng 15 lần so với năm 2020.
Bên cạnh đó, OCB còn tập trung đẩy mạnh số hóa các hoạt động nội bộ. Hầu hết quy trình, văn bản đều được thực hiện, phê duyệt online (đến gần 80%), giúp ngân hàng này tối ưu được năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động hiệu quả với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) năm 2021 ở mức 26,9% - nằm trong nhóm thấp nhất ngành.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, lợi nhuận không chỉ đến từ tín dụng, mà còn gia tăng mạnh từ mảng dịch vụ nhờ ngân hàng đẩy mạnh số hóa.
Tiết giảm chi phí vận hành
Ngân hàng số ngày càng trở thành “trái tim” của các ngân hàng. |
Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết thêm, việc tăng cường áp dụng số hóa đã giúp OCB giảm chi phí hoạt động và tăng chất lượng tài sản, từ đó góp phần giúp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm, chi phí tín dụng cũng hạ thấp, phản ánh qua tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm so với cùng kỳ, bất chấp khó khăn do đại dịch.
Tại Nam A Bank, ngân hàng này báo lãi trước thuế năm 2021 hơn 1.799 tỷ đồng, tăng gần 79% so với năm 2020 và vượt 29% kế hoạch. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 77% nhờ đẩy mạnh hoạt động số hóa.
Nam A Bank đã ghi dấu ấn trên thị trường tài chính khi là ngân hàng Việt đầu tiên đưa robot vào phục vụ giao dịch, đồng thời triển khai hệ thống Onebank, giúp khách hàng giao dịch 24/7 (nộp hoặc rút tiền mặt…) mà không phải đến quầy giao dịch trực tiếp.
Đáng chú ý hơn, Nam A Bank tiếp tục nâng cấp toàn diện ứng dụng ngân hàng số Open Banking phiên bản 2.0 với giao diện hiện đại, tăng tính năng, tiện ích, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến nhanh chóng, an toàn, bảo mật mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, Nam A Bank cũng liên tục hoàn thiện và nâng cấp hệ sinh thái công nghệ Open Banking, Robot OPBA và Onebank nhằm tối ưu hóa và giúp khách hàng có được sự trải nghiệm vượt trội khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính của Ngân hàng.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, chính nhờ việc tiên phong trong đầu tư công nghệ góp phần giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, giao dịch an toàn, nhanh chóng, tiện lợi. Đồng thời, giúp Ngân hàng tiết giảm chi phí trong vận hành, tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động, kinh doanh.
Tổng giám đốc MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay, số hóa giúp Ngân hàng tiết giảm hơn về quy trình, chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả công việc và đem đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Dự án thay mới core banking của MSB cũng đã khởi động để đáp ứng về nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số của Ngân hàng. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng năm 2022, tăng 30% so với 2021, chiến lược của MSB là tập trung chuyển đổi số, đẩy mạnh số hóa ngân hàng hiện hữu.
Trong giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi, từ 41% lên 82%.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC cho rằng, năm 2021 trở nên đặc biệt quan trọng khi đại dịch Covid-19 đóng vai trò như một yếu tố xúc tác giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ số hóa nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Thực tế, khảo sát dịch vụ tài chính cá nhân hành vi sử dụng ngân hàng số tại 15 thị trường châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam do McKinsey thực hiện trong năm 2021 cho thấy, tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017-2021, từ 41% lên 82%. Tỷ lệ sử dụng công nghệ tài chính và ví điện tử của Việt Nam tăng từ mức 16% trong năm 2017 lên 56% vào năm 2021.
Còn theo Ernst & Young, 42% ngân hàng Việt sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh. Khi ngân hàng số là xu thế bắt buộc, nhà băng nào cũng có chiến lược phát triển thì mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng lớn. Tuy nhiên, những ngân hàng nào tham gia sâu vào chuyển đổi số, tiện ích tạo cho người dùng được tiện lợi nhất, nhanh chóng, hiệu quả và an toàn nhất thì hệ sinh thái của ngân hàng đó sẽ được khách hàng trải nghiệm nhiều nhất.