Cách khác đo lường sự minh bạch

(ĐTCK) Cơ chế báo cáo quốc gia và chương trình phòng chống tham nhũng là các thông tin ít được chú trọng đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam. 
Cách khác đo lường sự minh bạch

Ở một cách đo lường khác, đây là các tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ minh bạch của DN từ góc nhìn của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency - TT). Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, sáng lập viên, giám đốc điều hành TT. 

Tháng 5/2017, TT đã công bố báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của DN Việt Nam (TRAC). Vậy TT đang đánh giá sự minh bạch của DN Việt Nam theo những tiêu chí chính nào? 

Báo cáo của TT đánh giá các hoạt động công bố thông tin của DN dựa trên ba khía cạnh là công khai thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng; cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp; thông tin tài chính quan trọng theo cơ chế báo cáo quốc gia.

Đầu tiên, về việc công khai thông tin các chương trình chống tham nhũng, có 3 lý do quan trọng làm cơ sở để chúng tôi đánh giá yếu tố này. Thứ nhất, công ty đã xây dựng các biện pháp cơ bản về chống tham nhũng hay chưa. Thứ hai, vấn đề thể hiện công khai các cam kết về chống tham nhũng của công ty như thế nào. Thứ ba, việc công khai thông tin về yếu tố này sẽ giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của công ty đối với các bên liên quan.

Đối với minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu, việc DN không công khai các thông tin này làm giảm trách nhiệm giải trình và tăng nguy cơ tham nhũng, lừa đảo và các dòng tài chính bất hợp pháp. Do đó, chúng tôi kêu gọi các công ty cần phải minh bạch về vấn đề này.

Cách khác đo lường sự minh bạch ảnh 1

 Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn

Về cơ chế báo cáo theo quốc gia, có nhiều công ty quốc tế hoạt động tại nhiều quốc gia với các hệ thống pháp luật và cơ chế thuế khác nhau. Tuy nhiên, nhiều công ty chỉ báo cáo về hoạt động toàn cầu mà không báo cáo theo dõi hoạt động tại từng quốc gia.

Điều này khiến công dân tại quốc gia sở tại không nắm được việc kinh doanh của công ty đó ra sao (lỗ hay lãi), công ty có nộp thuế và các lệ phí chuyển giao công nghệ, công ty có đầu tư phát triển cộng đồng nơi hoạt động hay không. Do đó, chúng tôi cho rằng, công ty cần báo cáo các chỉ số tài chính cơ bản không chỉ tại cấp độ công ty mà còn theo các quốc gia nơi công ty có hoạt động.

Theo báo cáo TRAC, các công ty Việt Nam có điểm số rất thấp về công khai chương trình phòng chống tham nhũng, ngược lại, không có doanh nghiệp FDI nào thực hiện việc minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu. Theo bà,  đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả này?

Về công khai các chương trình chống tham nhũng, nhiều DN lớn ở Việt Nam được đánh giá trong nghiên cứu này đạt điểm trung bình 10%. Mức điểm trung bình của các DN FDI là 24%.  Kết quả khiêm tốn này có thể được lý giải một phần là do khung quy định về chống tham nhũng chỉ áp dụng cho khu vực công (một số hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhân chỉ vừa mới được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015).

Ở khía cạnh này, các DN FDI thực hiện tốt hơn các DN khác do được thừa hưởng các chương trình chống tham nhũng của công ty mẹ và hệ thống công bố thông tin sẵn có. Một số DN FDI phải chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng theo các khuôn khổ luật pháp quốc tế nghiêm ngặt như Đạo luật chống Tham nhũng, hối lộ tại nước ngoài của Hoa Kỳ (FCPA) hoặc Đạo luật chống hối lộ của Anh (UK Anti-bribery Act 2010).

Về việc thực hiện minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN, nhóm các DN có điểm số tốt nhất là các công ty niêm yết, với điểm trung bình 64%. Kết quả này không bất ngờ bởi theo luật, các công ty này có nghĩa vụ công khai trên trang điện tử báo cáo hàng năm. Trong khi đó, các DN FDI (trừ loại hình công ty cổ phần) không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định nào. Theo tôi, nguyên nhân căn bản dẫn đến kết quả trái ngược giữa hai nhóm trên là do quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh nỗ lực của các DN, theo bà, các tổ chức khác cần vào cuộc như thế nào để DN Việt Nam minh bạch hơn, tạo uy tín trên bản đồ quốc tế?

Theo tôi, Chính phủ cần nâng cao vai trò của các công ty trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trước tiên, Luật chống tham nhũng sắp tới cần có quy định khẳng định vai trò quan trọng của DN trong việc này, vừa khuyến khích vừa cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của DN trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp chống tham nhũng nội bộ.  

Thứ hai, sau khi ban hành pháp luật, cần đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật để tăng cường hiệu quả công tác chống tham nhũng trên thực tế và tạo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

Đối với các bên liên quan khác, cần yêu cầu một chuẩn minh bạch cao hơn với DN. Chúng tôi cũng khuyến khích các chương trình nâng cao nhận thức và đối thoại giữa DN và các bên liên quan. 

(*) Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) là một công ty tư vấn phi lợi nhuận của Việt Nam được thành lập năm 2008 và là cơ quan đầu mối quốc gia chính thức của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Anh Quốc thực hiện
Đặc san Báo cáo thường niên 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục