Cách “giải cứu” trẻ khỏi gặp ác mộng

Theo trang mylevelandclinic.org, những cơn ác mộng có thể xảy ra khi trẻ chập chững biết đi nhưng thường bắt đầu giữa 3 và 6 tuổi. Ước tính có khoảng 10 - 50% trẻ ở độ tuổi này thường gặp ác mộng. Tỷ lệ này đủ để cha mẹ chúng phải quan tâm, lo lắng. 
Cách “giải cứu” trẻ khỏi gặp ác mộng

Từng giai đoạn phát triển của cuộc sống có xu hướng phản ánh các loại ác mộng của trẻ. Ví dụ, trẻ chập chững biết đi có thể gặp ác mộng về việc phải xa cha mẹ, trẻ lớn hơn thì có những giấc mơ về con quái vật hay bóng tối do xem phim ảnh kinh dị.

Nói chung, ác mộng xảy ra lúc nửa đêm và kèm theo sự nhớ lại có nhận thức đầy đủ, rõ ràng nếu trẻ thức giấc sau khi gặp ác mộng.

Những giấc mơ xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt

Khi đến độ tuổi đi học, trẻ sẽ dễ gặp những cơn ác mộng về việc bị bỏ rơi hoặc bị xa lánh do phải rời xa bố mẹ suốt cả ngày dài. Không những thế, phải ở giữa những người xa lạ có thể là nguyên nhân gây căng thẳng cho trẻ.

Cũng giống các loài động vật đáng sợ, quái vật tượng trưng cho những kẻ xấu hoặc các tình huống tiêu cực, không lối thoát mà trẻ gặp phải trong đời thực. Những cơn ác mộng có thể lặp đi lặp lại hoặc xuất phát từ các sự kiện diễn ra trong ngày. Ví dụ như khi trẻ bị cha mẹ hay thầy cô mắng, chúng có thể mơ thấy họ là những con quái vật hung dữ.

Khi trẻ mơ thấy những con bọ ngoe nguẩy thì có khả năng chúng đang bị căng thẳng vì một sự việc lạ lẫm nào đó chưa từng gặp bao giờ. Cũng có thể sinh hoạt hằng ngày của trẻ có một sự thay đổi bất ngờ khiến chúng chưa kịp thích nghi và cảm thấy bất an.

Những khi trong nhà xảy ra xích mích gây căng thẳng, nhất là khi bố mẹ bất hòa, cãi vã, trẻ em sẽ là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do chúng cảm thấy mình không có tiếng nói và cũng hoàn toàn bất lực trước sự việc. Ngoài ra, cơn ác mộng có thể ập đến khi sinh hoạt của trẻ bị thay đổi, đặc biệt là khi trẻ có thêm em. Điều này khiến trẻ cảm thấy mình không được quan tâm, yêu thương như trước.

Khi món đồ chơi bất ly thân mà trẻ yêu thích bất ngờ biến thành một sinh vật bị quỷ ám, hành xử lạ lùng đến đáng sợ, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang phải đối diện với một tình huống tương tự, như việc một người quen của trẻ bỗng dưng cư xử hoàn toàn khác thường. Sự sợ hãi và hoang mang mà trẻ cảm thấy sẽ châm ngòi cho cơn ác mộng đồ chơi sống dậy này.

Khi gặp phải tình huống khiến trẻ hoảng sợ, căng thẳng, không biết phải đương đầu thế nào, trẻ sẽ mơ thấy mình bị rượt đuổi dù không biết kẻ đuổi theo là ai, là cái gì. Tương tự giấc mơ bị nhốt, tình huống đáng sợ có thể khiến trẻ gặp ác mộng là một cuộc cãi vã giữa cha mẹ.

Trẻ em sẽ mơ thấy mình bị liệt toàn thân hoặc không thể thực hiện một số hoạt động nhất định, dù đã cố gắng cách mấy, khi có cảm giác mình không thể tự giác và tự lập trong cuộc sống. Cơn ác mộng này thường xảy ra ở những trẻ đã có thể tự thực hiện các sinh hoạt hằng ngày mà không cần đến sự giúp đỡ của bố mẹ.

Cách giúp trẻ ngon giấc

Những cơn ác mộng sẽ làm gián đoạn giấc ngủ, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tâm thần của trẻ.

* Bảo đảm ngủ đủ giấc. Con bạn có ngủ đủ giấc hay duy trì giờ ngủ đều đặn? Điều này giúp giảm bớt tần suất và cường độ của những cơn ác mộng.

* Giờ đi ngủ hằng ngày luôn đủ hạnh phúc và niềm vui. Trong 30 - 60 phút trước khi ngủ, đừng cho trẻ xem những bộ phim, chương trình TV kinh dị, những câu chuyện dễ gây mộng mị, âm nhạc hay yếu tố kích thích khác khiến trẻ lo lắng, bất an.

* Thảo luận về cơn ác mộng trong ngày. Cố gắng xác định một đề tài có thể liên quan đến những cơn ác mộng, đặc biệt nếu chúng thường xuyên xảy ra. Nếu có thì có nghĩa trẻ đang nghĩ về điều gì đó và cố gắng xác định đó là gì. Hãy xác định điều gì gây căng thẳng trong cuộc sống của trẻ. Nói chuyện với trẻ về các yếu tố gây căng thẳng, đồng thời cùng với trẻ tìm cách để giảm bớt chúng.

* Vỗ về, an ủi và trấn an. Đây là lúc bạn cần tạo cảm giác thoải mái và vỗ về trẻ nhiều hơn khi trẻ có những vấn đề về giấc ngủ. Hãy ở bên trẻ một lúc khi trẻ gặp ác mộng vì lúc này trẻ cảm thấy mệt mỏi và có thể dỗ lại giấc ngủ nhanh hơn. Tốt nhất, nên cho trẻ ngủ cùng bạn. Tránh vỗ về hay ôm ấp trẻ quá mức. Để tạo cảm giác an toàn và thoải mái, cho phép trẻ ôm ấp món đồ chơi mềm mại mà trẻ thích hay để sáng đèn ngủ cho trẻ có cảm giác an toàn. Nên mở cửa phòng ngủ khi rời phòng trẻ, đồng thời trấn an trẻ rằng trong nhà luôn an toàn và bạn luôn ở đó để bảo vệ trẻ.

Cần đưa trẻ đến bác sĩ khi:

* Những cơn ác mộng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn, hoặc có tần suất tăng dần.

* Những cơn sợ hãi làm gián đoạn những sinh hoạt hằng ngày của trẻ.

* Ác mộng gây lo lắng cực độ và lặp đi lặp lại, hoặc liên quan đến các vấn đề tâm lý. Trường hợp này, cần dùng đến các kỹ thuật tâm lý, như gây tê và thư giãn.

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục