Các tỷ phú châu Á “cởi mở” hơn với startup công nghệ

(ĐTCK) Theo Harvard Business School, 75% các thương vụ đầu tư mạo hiểm dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thất bại. Nguyên nhân bởi công ty khởi nghiệp phải đối diện với thử thách, khó khăn bậc nhất trong kinh doanh: mỗi một startup cần phải nỗ lực để mang tới một sản phẩm mới cho thị trường.
Các tỷ phú châu Á “cởi mở” hơn với startup công nghệ

Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro liên quan, các gia đình giàu có tại châu Á, vốn đang nhanh chóng gia tăng thứ bậc trong danh sách những người giàu nhất thế giới với tổng khối tài sản hơn 17.000 tỷ USD, đang thể hiện mức độ quan tâm lớn hơn tới các startup công nghệ.

Đáng chú ý nhất là khu vực Đông Nam Á, nơi các gia đình tỷ phú chiếm vị trí nổi bật trong hoạt động đầu tư nhiều năm qua, các công ty khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ ngày càng nhận được sự chú ý khi nhiều người thừa kế trẻ trung hơn lên nắm quyền kiểm soát khối tài sản khổng lồ của gia đình. Không ít chuyên gia kỳ vọng, các hoạt động đầu tư mới sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn, đồng thời cải tổ các doanh nghiệp đã tồn tại qua nhiều thế hệ.

Theo Ozi Amant, người sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ K2 Global, công nghệ chính là tương lai và thế hệ mới lên nắm quyền tại các gia đình tỷ phú Đông Nam Á đang bắt đầu nhận thức rõ điều này. Mới đây, ông đã thành công trong việc thuyết phục một trong những dòng họ giàu có bậc nhất châu Á rót vốn vào K2 Global với niềm tin rằng, công nghệ là quá trình tiến hóa tất yếu và không thể tránh khỏi. Các thế hệ mới lên nắm quyền kỳ vọng việc bắt kịp xu hướng này sẽ giúp doanh nghiệp sinh tồn và phát triển trong những năm sắp tới.

“Việc thuyết phục các thế hệ lớn tuổi đầu tư vào công nghệ là điều không hề dễ dàng. Tình hình hiện tại đã tiến triển tốt hơn khi những người trẻ lên nắm quyền. Họ hiểu rõ rằng, không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại ngày nay nếu thiếu đi sự liên kết với người tiêu dùng thông qua công nghệ”.

Thực tế, việc không ít người trẻ tuổi lên nắm quyền tại các doanh nghiệp gia đình đang thay đổi dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Tại Malaysia, cha của Jo Jo Kong đã trở thành một trong những người giàu nhất quốc gia nhờ việc kinh doanh dịch vụ ma chay vào những năm 1980 và sau đó mở rộng sang phát triển bất động sản. Ngày nay, Jo Jo Kong, 26 tuổi, được thừa hưởng sự nghiệp kinh doanh của gia đình và bắt đầu đầu tư mạo hiểm vào công nghệ.

Mới đây, Jo Jo Kong đã trở thành đối tác của RHL Ventures, hãng đầu tư được sáng lập bởi những người thừa kế tại các gia đình giàu có bậc nhất Malaysia.

Tương tự, “ông trùm” Satveer Singh Thakral tại Singapore đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hơn thế kỷ của gia đình theo hướng nhanh chóng bắt kịp công nghệ. Được sáng lập tại Bangkok năm 1905 với hoạt động chính là buôn bán sợi dệt, tới nay, công ty của Satveer Singh Thakral hiện đã trở thành một tập đoàn hoạt động trên 35 quốc gia với hơn 15.000 nhân viên trên toàn cầu, tập trung vào lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, logistics. Mới đây, người thừa kế của gia đình đã thành lập quỹ đầu tư Singapore Angel Network với mục tiêu sẽ đầu tư vào khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ.

Trong khi đó, Matthew Tai, doanh nhân 35 tuổi người Hồng Kông cũng đang chuyển một phần khối tài sản của gia đình vào hoạt động đầu tư startup công nghệ.

“Hoạt động kinh doanh truyền thống của gia đình tôi là phát triển bất động sản. Nhưng đó là câu chuyện quá khứ. Thế giới ngày nay thuộc về công nghệ số”. Theo đó, Tai đã sử dụng 15% khối tài sản thừa kế 70 triệu USD của mình vào đầu tư công nghệ, so với con số 0% cách đây 2 năm, khi cha ông đang nắm quyền.

Có thể nói, dòng tiền mới từ các gia đình giàu có tại châu Á được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy các công ty công nghệ đầy hứa hẹn trong thời gian tới. Ngay cả khi các nhà đầu tư châu Á mới bắt đầu đổ tiền vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm này, sức mạnh của nó đã giúp số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Đông Nam Á đạt kỷ lục mới vào năm 2017.

Bên cạnh đó, các startup khu vực này đã thu hút được 7,86 tỷ USD từ các nhà đầu tư trong năm 2017, gấp ba lần so với mức 2,52 tỷ USD năm 2016, theo số liệu của Tech in Asia. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2013.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục