Các “tư lệnh ngành” mới có nền tảng vững chắc

Nhiều tư lệnh ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tuy nhiên, theo ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, điều này không hề gây áp lực cho người kế nhiệm, mà ngược lại, người kế nhiệm đã có được nền tảng vững chắc để đưa lĩnh vực mình phụ trách phát triển lên tầm cao mới.     
Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Nhiều lĩnh vực như xây dựng thể chế kinh tế, hạ tầng giao thông, ngân hàng… đã được các tư lệnh ngành thực hiện tốt. Theo ông, điều này có tạo ra áp lực đối với người kế nhiệm?

Nhìn lại nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, có thể nhận thấy một số mặt còn hạn chế, khiếm khuyết, chưa làm được, nhưng về cơ bản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt xuất sắc là các lĩnh vực như xây dựng thể chế kinh tế, tập trung cải cách thủ tục hành chính do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh làm kiến trúc sư trưởng; xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đứng đầu; thiết lập lại thị trường tiền tệ, ngoại tệ, vàng bạc, tỷ giá do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình “lĩnh ấn tiên phong”.

Nhiều người nghĩ, việc người tiền nhiệm đã hoàn thành quá xuất sắc công việc sẽ gây áp lực cho người kế nhiệm, song theo tôi, người kế nhiệm chức tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư, giao thông - vận tải và ngân hàng không hề bị áp lực, mà thậm chí còn có nhiều thuận lợi, vì được bước đi trên con đường mà người tiền nhiệm đã phát quang, mở lối, đặt nền tảng vững chắc.

Để bước tiếp trên con đường như ông nói là đã được phát quang, mở lối cũng không hề dễ đối với các vị bộ trưởng, trưởng ngành vừa được Quốc hội phê chuẩn?

Bắt tay vào nhiệm vụ Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, nhiều nền kinh tế lớn thế giới vừa bước ra khỏi suy thoái lại rơi vào suy giảm, nên tác động rất lớn tới mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của nước ta. Nhưng chúng ta lại có thuận lợi là được vay vốn ODA và nguồn vốn ưu đãi từ nước ngoài rất lớn; nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia và bội chi thấp, nên có điều kiện huy động vốn trong và ngoài nước để tập trung đầu tư phát triển gấp 1,7 lần; tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp hơn 1,8 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, nhờ đó, năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông Việt Nam đã vượt lên vị trí 74 trong năm 2014, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010 (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF).

Nhưng bắt tay vào thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi sắp chạm hoặc đã vượt ngưỡng an toàn, nên không thể mạnh tay vay nợ để đầu tư và cũng không được vay vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi của nước ngoài với giá rẻ. Thực tế này sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, nên Chính phủ nhiệm kỳ tới phải hết sức nỗ lực, cố gắng mới hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội giao phó.

Ông có tin rằng, các vị tư lệnh ngành vừa được Quốc hội phê chuẩn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Thành phần nội các Chính phủ mới vừa được Quốc hội phê chuẩn nhiều khả năng sẽ là nội các Chính phủ nhiệm kỳ XIV. Tôi tin rằng, các vị bộ trưởng, trưởng ngành này sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bởi tất cả họ đều được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và đã từng trải qua nhiều cương vị ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hơn nữa, việc triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 cũng có rất nhiều thuận lợi.

Đó là những thuận lợi gì, thưa ông?

Hầu hết các luật liên quan đến thể chế kinh tế đã được hoàn thiện, ban hành mới theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn nhà nước…

Trong khi đó, công tác cải cách hành chính đã đạt được một số kết quả nhất định trên các lĩnh vực quan trọng, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thủ tục nộp thuế, hải quan... Chỉ số Môi trường kinh doanh năm 2016 (Doing Business Report 2016) tăng 3 bậc, trong đó, một số chỉ số tăng khá, như tiếp cận điện năng tăng 22 bậc, tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, nộp thuế tăng 4 bậc. Chỉ số Năng lực cạnh tranh tăng 12 bậc, từ vị trí 68/140 trong giai đoạn 2014 - 2015 lên vị trí 56/140 giai đoạn 2015 - 2016.

Thuận lợi nữa là, hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể, lực lượng doanh nghiệp hùng hậu với gần 941.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó, riêng giai đoạn 2011 - 2015 có thêm 393.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng vốn đăng ký trên 2.413.300 tỷ đồng.

Nhưng không thể thành công nếu không có sự tập trung cao độ về trí tuệ, công sức và sự nhiệt huyết…

Quốc hội vừa thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 với rất nhiều mục tiêu hướng đến nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Vì thế, tất cả thành viên nội các phải cố gắng, chứ không riêng gì các bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nền kinh tế không thể phát triển bền vững khi chất lượng nguồn nhân lực thấp; tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm cao; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cao; tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế vẫn hoành hành; an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… chưa được kiềm chế.

Mạnh Bôn ​
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục