Các tỉnh miền Trung tính phương án hỗ trợ lao động mất việc vì Covid-19

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tại các tỉnh miền Trung hàng ngàn lao động bị mất việc làm hoặc ngừng việc làm vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Giải quyết tình thế này, một số tỉnh đã đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ, giải quyết chế độ cho người lao động áp dụng ở mức lương tối thiểu trong thời gian ngừng việc do ảnh hưởng dịch.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này có 32 doanh nghiệp báo cáo về tình hình ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp này đã phải cho hơn 1.770 người lao động nghỉ việc, ngừng việc. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này có 32 doanh nghiệp báo cáo về tình hình ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp này đã phải cho hơn 1.770 người lao động nghỉ việc, ngừng việc.

Tiếp cận đối tượng

Tại Nghệ An, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) Đoàn Hồng Vũ cho biết, hiện Nghệ An đang thực hiện việc hướng dẫn các địa phương trong việc tiếp cận nguồn chính sách của Chính phủ. Công việc mới chỉ thực hiện ở mức hướng dẫn theo các công văn của Chính phủ, của Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

Theo ông Vũ, đối với lao động bị ngưng việc vì ảnh hưởng Covid-19, Sở đã có công văn hướng dẫn về việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian nghỉ việc liên quan đến dịch Covid-19.

Theo đó, những trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid -19 như: Lao động người nước ngoài trong thời gian chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc những bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác đang trong thời gian cách ly, thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc được thực hiện theo Khoản 3, Điều 98, Bộ luật Lao động.

Theo Khoản 3, Điều 98, Bộ luật Lao động, lao động nghỉ việc do dịch bệnh sẽ được hưởng lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Và mức lương tổi thiểu năm 2020 của Nghệ An được áp dụng theo từng khu vực như sau: Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò;  Mức  lương 3.070.000 đồng/ tháng, áp dụng cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên các địa bàn còn lại của tỉnh.

Công văn này cũng đề nghị chính quyền các huyện, thành, thị chủ động rà soát theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Triển khai việc thực hiện chế độ trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hiện tại Nghệ An đang hướng dẫn các đối tượng được hưởng trở cấp và phối hợp các địa phương lập danh sách đối với lao động mất việc do ảnh hưởng dịch để người dân sớm được tiếp cận với nguồn trợ cấp này, ông Vũ chia sẻ.

Còn tại Khánh Hòa, ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh này cho biết, việc Chính phủ đưa ra gói chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 là hết sức ưu việt, thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng, Nhà nước.

Theo báo cáo của đơn vị này,  đến nay Sở đã tiếp nhận thông tin từ 32 doanh nghiệp báo cáo về tình hình ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp này đã phải cho hơn 1.770 người lao động nghỉ việc, ngừng việc.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những ngày qua, Sở đã phối hợp với những đơn vị có liên quan, địa phương tiến hành rà soát, thống kê các nhóm đối tượng. Trước mắt, đã thống kê được đối tượng hộ nghèo có 10.132 hộ với 38.770 nhân khẩu; 20.810 hộ cận nghèo với 81.826 khẩu; 6.947 người có công với cách mạng.

Theo ông Tân, đối với nhóm đối tượng: người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp tạm nghỉ việc, nghỉ chờ việc không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm bị tạm ngừng kinh doanh… thì vẫn chưa rà soát, thống kê được. Đồng thời, việc rà soát, thống kê nhóm đối tượng này sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cần có thời gian. Tuy khó nhưng đơn vị vẫn cố gắng, nỗ lực để thống kê nhằm đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Đà Nẵng thông qua gói hỗ trợ nhóm đặc thù khó khăn do Covid-19

UBND TP.Đà Nẵng đã thông qua tờ trình đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng, hộ gia đình trên địa bàn TP bị ảnh hưởng do tác động bởi dịch Covid-19. Theo tờ trình của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, bên cạnh xem xét việc hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định của T.Ư, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ thêm cho các đối tượng đặc thù của  thành phố thuộc thẩm quyền của HĐND TP. Đà Nẵng đề ra.

Các tỉnh miền Trung tính phương án hỗ trợ lao động mất việc vì Covid-19 ảnh 1

Sở LĐTB&XH TP.Đà Nẵng cho biết, hiện các quận, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 4.632 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách và hộ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ nguồn Quỹ vì người nghèo.

Theo đó, UBND TP chia ra làm 2 nhóm đối tượng nhận hỗ trợ. Nhóm một là các đối tượng theo quy định của T.Ư được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/người/tháng trong vòng 3 tháng; tổng kinh phí hỗ trợ gần 279 tỉ đồng; Nhóm đối tượng thứ 2 là nhóm đặc thù khác của thành phố ngoài quy định của T.Ư.

Cụ thể, TP.Đà Nẵng sẽ hỗ trợ mức 500.000 đồng/tháng (từ tháng 4 - 6.2020) cho thân nhân của người có công cách mạng hưởng trợ cấp thường xuyên theo nghị quyết của HĐND thành phố; Hỗ trợ mức 1 triệu đồng/hộ/tháng (từ tháng 4 – 6/2020) đối với 8.805 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố (loại trừ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia) được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt…

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng đến cuối tháng 3/2020, toàn thành phố có gần 58.000 người lao động mất việc làm phải chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ không lương; 16.368 hộ nghèo, hộ cận nghèo; 38.260 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội; 19.500 đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công cách mạng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.Đà Nẵng cho biết, trước mắt, các quận, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 4.632 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách và hộ có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ vì người nghèo. Hiện thành phố tiếp tục khảo sát các đối tượng, và xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng, hộ gia định, các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng.

Việt Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục