Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vừa nâng lãi suất cho vay thêm 3%, lên mức 16,5%/năm, sau khi đồng lira giảm giá khoảng 5% chỉ trong 1 ngày so với USD.
Đối với các thị trường thông thường, việc nâng lãi suất thêm mức gần 1%/năm đã là con số rất lớn. Động thái này được xem là biện pháp khẩn cấp mà Thổ Nhĩ Kỳ phải áp dụng để ngừng việc dòng tiền không ngừng tháo chạy ra khỏi nước này trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, Argentina cũng có hành động tương tự, nâng lãi suất lên mức 40%/năm, sau khi đồng Argentina peso giảm giá hơn 20% so với USD và nhà đầu tư tỏ rõ sự mất niềm tin vào các nỗ lực cải cách của chính phủ. Hiện tại, Argentina đang đàm phán về các gói hỗ trợ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Trong bối cảnh này, nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là chuỗi sự kiện mở đầu cho một cuộc khủng hoảng mới, tương tự điều đã diễn ra đối với Nga, Hàn Quốc, Mexico và phần lớn Đông Nam Á cách đây vài thập kỷ? Hay đây chỉ là cú "nấc cụt" tạm thời của thị trường như từng xảy ra với các thị trường mới nổi năm 2013?
Thực tế, dù dữ liệu lịch sử có chỉ ra không ít lần bùng nổ và sụp đổ của thị trường mới nổi, thì cũng không đủ sức ngăn cản các nhà đầu tư đổ hàng nghìn tỷ USD vào đây trong những năm qua, bởi sức hấp dẫn từ mức lợi suất cao hơn, thay vì môi trường an toàn hơn như tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Trong năm ngoái, các nhà đầu tư đã rót 1,2 nghìn tỷ USD vào các nền kinh tế đang phát triển. Con số này vượt qua cả năm 2015 và 2016 cộng lại. Và thực tế, đa phần các khoản đầu tư này đã mang lại lợi nhuận xứng đáng với kỳ vọng. Các nhà đầu tư nhận về lãi suất trung bình 9%/năm đối với trái phiếu tại các thị trường mới nổi, tốt hơn nhiều so với con số gần 3,5%/năm tại thị trường trái phiếu Mỹ.
Chưa kể, thị trường chứng khoán tại các nền kinh tế mới nổi còn hấp dẫn hơn, với mức tăng 30% trong năm 2017, so với mức tăng 19% của chỉ số S&P 500 trong cùng thời gian.
Tuy nhiên, hiện tại, dòng tiền đanh nhanh chóng chảy ra ngoài khu vực này, bởi các mối lo ngại gia tăng khi thị trường chứng khoán đảo chiều trong những tháng qua, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến nâng lãi suất trong tháng 6 khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn. Trong 1,5 tháng qua, khoảng 8 tỷ USD đã rời khỏi thị trường trái phiếu và chứng khoán tại các quốc gia đang phát triển, theo Viện nghiên cứu Tài chính quốc tế.
Không khó để nhận ra rằng, cổ phiếu và trái phiếu tại các thị trường mới nổi mang tới lợi suất hấp dẫn, nhưng đi kèm với đó là tính bất ổn lớn. Theo Howard R. Gold, nhà bình luận, người sáng lập và chủ bút của GoldenEgg Investing, thị trường chứng khoán tại các thị trường mới nổi bất ổn hơn nhiều so với cổ phiếu Mỹ, nhất là khi so với các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Cụ thể, trong một số thời điểm, các thị trường mới nổi có màn biểu diễn vượt trội, nhưng về dài hạn, chứng khoán Mỹ vẫn chứng tỏ được vị thế. Chẳng hạn, tháng 3/2005, Quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ra đời, cho tới hiện tại, lợi suất của quỹ này đạt 98,11%.
Cùng thời kỳ, quỹ Vanguard Total Stock Markets ETF, đầu tư dựa trên chỉ số chứng khoán Mỹ, có lợi suất đạt 149,53%. Nguyên nhân xuất phát từ việc, các thị trường chứng khoán mới nổi cần thời gian dài hơn để phục hồi sau mỗi nhịp điều chỉnh.
Với việc các thị trường chứng khoán mới nổi đang bước vào nhịp điều chỉnh, trong bối cảnh đồng USD giữ vững sức mạnh, những khó khăn mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt là dễ nhận thấy. Nhà đầu tư có thể quyết định rút vốn ra khỏi thị trường này, nhằm bảo toàn hiệu quả đầu tư, đồng thời tranh thủ tận hưởng cơ hội tại thị trường hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến nhấn mạnh tới cơ hội đầu tư tại các thị trường mới nổi trong nhịp điều chỉnh này.
“Đây là đợt rút vốn đầu tiên khỏi các thị trường mới nổi trong 10 quý qua. Tất nhiên, mọi việc đều có nguyên nhân và trong khối này có nhiều điểm yếu. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina hay một số quốc gia khác không phải là đại diện cho toàn bộ thị trường. Theo tôi, các nền tảng cơ bản tại thị trường mới nổi vẫn rất vững chắc”, Jan Dehn, chuyên gia thị trường mới nổi tại Ashmore Investment Management cho biết.