Các thị trường mới nổi bước vào kỷ nguyên tăng trưởng chậm

(ĐTCK) Tăng trưởng ở các thị trường mới nổi đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính do một loạt nhân tố, bao gồm sự yếu đi của động lực Trung Quốc, biến động ở Đông Âu và suy giảm kinh tế ở Mỹ Latinh.
Các thị trường mới nổi bước vào kỷ nguyên tăng trưởng chậm

Bằng chứng về việc các nền kinh tế mới nổi đang bước vào một kỷ nguyên mới của tăng trưởng chậm sẽ tăng thêm lo lắng về triển vọng toàn cầu khi các nước phương Tây còn tiếp tục phải vật lộn với nguy cơ suy thoái, giá dầu giảm về mức thấp 4 năm và đầu tàu kinh tế khu vực đồng euro kẹt bánh.

Dữ liệu về 19 nền kinh tế mới nổi lớn, được tổng hợp bởi công ty nghiên cứu Capital Economics, cho thấy, sản lượng công nghiệp trong tháng 8 và tiêu dùng trong quý II đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 8 cũng yếu đi trông thấy.

Những xu hướng này đang đóng góp vào cảm giác rằng, tăng trưởng chậm hơn đang trở thành vấn đề thường trực ở nhóm các nền kinh tế năng động nhất thế giới.

“Đây là một sự bình thường mới”, Neil Shearing, kinh tế trưởng thị trường mới nổi ở Capital Economics nói. “Chúng sẽ là những gì diễn ra trong thời gian còn lại của thập kỷ này”.

Phát biểu tại hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần qua, ông Olivier Blanchard, Kinh tế trưởng của Quỹ nói, đã có “một sự thay đổi thực sự lớn về triển vọng” của các thị trường mới nổi trong trung hạn.

Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF, nói rằng, “rõ ràng đang có một sự suy giảm lớn ở các nước như Brazil và Nga”, đồng thời nhấn mạnh, sự kết thúc của gói nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ sẽ gây sóng gió cho các nền kinh tế mới nổi.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi cảnh báo đến rất nhiều thị trường mới nổi để họ tự chuẩn bị cho những thách thức còn lớn hơn những gì mà chúng tôi quan sát được vài tháng qua”, bà Lagarde nói.

George Magnus, tư vấn cấp cao cho UBS, nói: “Hiện rõ ràng là tốc độ tăng trưởng ngoại hạng ở các thị trường mới nổi giai đoạn 2006 - 2012 đã không còn”. Ông Magnus nhấn mạnh, IMF đã điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng ở các thị trường mới nổi 6 lần kể từ cuối năm 2011.

Mặc dù các thống kê GDP chính thức trong quý III chưa được công bố, nhưng được dự báo ảm đạm. Tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc trong quý vừa qua - theo lịch sẽ được công bố trong tuần tới - được dự đoán sẽ giảm còn 6,8% so với mức 7,5% của quý II, theo Jasper McMahon của Now-Casting Economics ở London.

Brazil được dự báo chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, giảm so với mức chính thức 2,5% của năm 2013, theo mô hình của Now-Casting.

Mô hình kinh tế học tư bản, dùng để dự đoán tăng trưởng GDP chung cho các thị trường mới nổi dựa trên các dữ liệu chính thức và tư nhân, cho thấy một tỷ lệ tăng trưởng chung là 4,3% trong tháng 7, giảm từ mức 4,5% trong tháng 6 và các số liệu ban đầu của tháng 8 gợi ý mức tăng trưởng còn chậm hơn.

“Tháng 8 dường như sẽ là tháng tăng trưởng yếu nhất của các thị trường mới nổi kể từ tháng 10/2009”, ông Shearing nói.

Sự suy giảm tăng trưởng nhanh nhất đến từ Đông Âu, nơi mà tình trạng loạng choạng của nền kinh tế Đức - giảm 4% sản lượng công nghiệp trong tháng 8 - đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung công nghiệp của nước này.

Ở Mỹ Latinh, sản lượng công nghiệp cũng sụt giảm trong tháng 8, một phần bởi nhu cầu hàng hóa yếu đi từ Trung Quốc và phần khác do nhu cầu người tiêu dùng ở khu vực này cũng chậm lại vì lạm phát cao.

Châu Á mới nổi vẫn tỏ ra dẻo dai nhất trong số các khu vực mới nổi lớn, với tăng trưởng sản lượng công nghiệp đạt mức 5% trong tháng 8, so với mức bình quân 2% của tất cả nhóm thị trường mới nổi, theo Capital Economics.

Michael Power, chiến lực gia của Investec Asset Management, đã gọi việc cắt giảm gói nới lỏng định lượng của Fed và nhu cầu hàng hóa chậm lại từ Trung Quốc là “hai mặt trăng” đang kéo tụt “thủy triều” tăng trưởng của các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, nhà chiến lược này nhìn nhận sự chậm lại này như một chu kỳ tự nhiên. Ông này nói rằng, sự phát triển về nhân khẩu, kết cấu hạ tầng, và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu thành phố rốt cuộc sẽ lấn át sự suy yếu này. “Chúng ta cần thận trọng trước khi đuổi tất cả những đứa trẻ thị trường mới lớn ra khỏi bể tắm QE đang xả nước”.  

Quang Huy (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục