Các thị trường chứng khoán có quý tồi tệ nhất trong hai năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tác động từ xung đột Nga-Ukraine, giá dầu thô và hàng hóa leo cao, cũng như các chính sách diều hâu hơn từ các ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát đã khiến các thị trường tài chính có quý I/2022 tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây hai năm.
Các thị trường chứng khoán có quý tồi tệ nhất trong hai năm

Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Năm (31/3) và ghi nhận quý giảm mạnh nhất trong hai năm, do lo ngại tiếp diễn về cuộc xung đột ở Ukraine, tác động của lạm phát và phản ứng diều hâu hơn từ Fed.

Trong khi sự lạc quan về một thỏa thuận hòa bình có thể có giữa Ukraine và Nga đã giúp thị trường giao dịch khá tích cực trong những phiên đầu tuần, thì hy vọng đã nhanh chóng bị lu mờ, khi có những dấu hiệu cho thấy lực lực Nga tiếp tục tấn công các thành phố xung quanh Kiev.

Đặc biệt, tin tức ông Putin đe dọa sẽ ngừng các hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu, trừ khi chúng được thanh toán bằng đồng rúp cũng đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý thị trường.

Dù vậy, giá dầu đã giảm đã giúp giới đầu tư thở phào, khi chính quyền ông Joe Biden công bố kế hoạch giải phóng 1 triệu thùng dầu/ngày từ kho dự trữ chiến lược (SPR) trong vòng 6 tháng.

Phiên cuối cùng của tháng 3/2022, tất cả 11 phân ngành chính thuộc S&P 500 đều giảm điểm, trong đó tài chính và dịch vụ truyền thông nằm trong số những nhóm giảm mạnh nhất, lần lượt mất 2,3% và 2%.

Về dữ liệu kinh tế được công bố, chỉ số giá PCE cốt lõi, một thước đo lạm phát quan trọng được Fed theo dõi, tăng 5,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ, thấp hơn một chút so với con số dự báo 5,5%.

Hiện các nhà đầu tư sẽ chờ đợi báo cáo việc làm sẽ được công bố vào ngày mai để xác nhận thêm về sức mạnh thị trường lao động và hiểu rõ hơn về con đường khả thi của chính sách tiền tệ từ Fed.

Kết thúc tháng 3/2022, S&P 500 tăng 3,6% Nasdaq Composite tăng 3,4% còn Dow Jones tăng 2,2%.

Dù vậy, trong quý đầu tiên của năm 2022, chỉ số S&P 500 giảm 4,9%, Dow Jones mất 4,6% và Nasdaq giảm 9,1%. Đây là quý tồi tệ nhất đối với cả 3 chỉ số kể từ quý I/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ và chứng kiến S&P 500 lao dốc 20%.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Dow Jones giảm 550,46 điểm (-1,56%), xuống 34.678,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 72,04 điểm (-1,57%), xuống 4.530,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 221,76 điểm (-1,54%), xuống 14.220,52 điểm.

Chứng khoán châu Âu sụt giảm, do sự lạc quan xung quanh các cuộc đàm phán hòa bình tan thành mây khói, sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các lực lượng của Ukraine đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới của Nga ở phía đông nam.

Đóng cửa, chỉ số STOXX toàn châu Âu giảm 076% xuống 456,69 điểm.

Chỉ số STOXX 600 giảm khoảng 6,5% trong quý I/2022 vừa qua, sau khi có bảy quý tăng liên tiếp trước đó, do các nhà đầu tư vẫn thận trọng khi đối mặt với cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Áp lực bán trên các thị trường chứng khoán châu Âu tăng lên ,sau khi ông Putin ký sắc lệnh buộc nước ngoài phải thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga từ ngày 1/4 và các hợp đồng sẽ bị tạm dừng nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện, David Madden, nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital, cho biết.

Động thái của ông Putin khiến châu Âu đối mặt với viễn cảnh mất hơn 1/3 nguồn cung khí đốt. Đức đã kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp có thể dẫn đến việc chia sẻ nguồn dầu khí cho các ngành kinh tế ưu tiên.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ tiếp tục thanh toán cho nhập khẩu năng lượng từ Nga bằng đồng euro, Bộ trưởng Tài chính Đức cho biết.

Kết thúc phiên 31/3: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 63,07 điểm (-0,83%), xuống 7.515,68 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 190,30 điểm (-1,31%), xuống 14.414,75 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 81,72 điểm (-1,21%), xuống 6.659,87 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, và ghi nhận quý tồi tệ nhất trong hai năm, khi các nhà đầu tư chốt lời trong đợt tăng giá trong tháng này.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động trong lĩnh vực nhà máy và dịch vụ của nước này giảm mạnh trong tháng 3, làm gia tăng lo ngại về tác động đối với nền kinh tế do các biện pháp phong tỏa để kiềm chế dịch Covid-19.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi cổ phiếu công nghệ và nhóm cổ phiếu của Trung Quốc niêm yết tại phố Wall bị đẩy lùi.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ và kết thúc tháng 3 tăng khoảng 2% với hy vọng áp lực lạm phát giảm bớt, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cân nhắc giải phóng 180 triệu thùng dầu.

Kết thúc phiên 31/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 205,82 điểm (-0,73%), xuống 27.821,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,39 điểm (-0,44%), xuống 3.252,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 235,18 điểm (-1,06%), xuống 21.996,85 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 10,91 điểm (+0,40%), lên 2.757,65 điểm.

Giá vàng thế giới ngày thứ Năm nhích lên khi lo ngại gia tăng bởi việc ông Putin ký sắc lệnh yêu cầu người mua nước ngoài buộc phải trả tiền mua nhiên liệu bằng đồng rúp.

Kết thúc phiên 31/3, giá vàng giao ngay tăng 4,3 USD lên 1.937,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 giảm hơn 11 USD xuống 1.939,6 USD/ounce.

Giá dầu thô giảm mạnh nhờ vào việc Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định xuất kho một khối lượng dầu kỷ lục tới khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 6 tháng.

Kết thúc phiên 31/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 7,54 USD (-7,52%), xuống 100,28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 5,54 USD (-5,13%), xuống 107,91 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục