Thế giới đang phải trả giá quá đắt vì nhiều nước đang phớt lờ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuyên bố trên được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngày 18/5 tại hội nghị trực tuyến đầu tiên của Đại Hội đồng y tế thế giới của WHO với trọng tâm là dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã cảnh báo: "Các quốc gia đang theo đuổi những chiến lược khác nhau, đôi khi mâu thuẫn và tất cả chúng ta đang phải trả giá đắt (vì điều này)."
Ông nêu bật vai trò của WHO khi nhấn mạnh cơ quan có trụ sở ở Thụy Sĩ này là "không thể thay thế" và cho rằng WHO cần có thêm những nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển.
Tại hội nghị, Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga đã cam kết nước này "hoàn toàn ủng hộ và hợp tác toàn diện" với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc chiến chống COVID-19.
Bà hối thúc 194 nước thành viên WHO "cùng nhau hành động" để giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh đại dịch COVID-19 sẽ qua nhanh nếu các nước trên thế giới hợp tác cùng nhau. Theo bà, WHO là "một cơ quan toàn cầu và hợp pháp" và các nước cần xem xét cách thức để có thể nâng cao chức năng,vai trò của cơ quan này, trong đó có việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững.
Nhấn mạnh không một nước nào có thể tự mình giải quyết được virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, nhà lãnh đạo Đức nêu rõ: "Tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua đại dịch. Chúng ta càng hợp tác cùng nhau trên bình diện quốc tế, chúng ta càng nhanh chóng chiến thắng đại dịch."
Đồng quan điểm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải lan truyền "tình đoàn kết và hợp tác" trên khắp thế giới trong bối cảnh các nước vẫn đang chiến đấu đẩy lùi dịch COVID-19.
Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã miêu tả cách tiếp cận trên là "vũ khí mạnh nhất" chống lại virus SARS-CoV-2.
Ông nhấn mạnh: "Một điều hoàn toàn rõ ràng. Chia sẻ thông tin và hợp tác với nước khác minh chứng về một sức mạnh mà không virus nào có - một sức mạnh chỉ con người mới sở hữu."
Tổng thống Moon Jae-in cũng chia sẻ những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc khống chế đà lây lan virus một cách hiệu quả mà không áp đặt tình trạng phong tỏa ở bất kỳ nơi nào dù là một trong những quốc gia đầu tiên có ca mắc COVID-19.
Ông chỉ ra 3 nguyên tắc chính trong những nỗ lực kiểm dịch của chính phủ là công khai, minh bạch và dân chủ, đồng thời đề xuất các nước mở rộng viện trợ nhân đạo qua biên giới và phối hợp chặt chẽ với nhau để phát triển vắcxin và các phương pháp điều trị.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đồng thời kêu gọi tăng cường hỗ trợ WHO đối phó với các dịch bệnh khác đe dọa y tế toàn cầu, nhấn mạnh các nước cần cập nhật những quy định y tế quốc tế cũng như quy tắc của WHO và biến chúng trở thành những quy định bắt buộc về mặt pháp lý.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh ủng hộ một cuộc "rà soát toàn diện" về cách ứng phó toàn cầu đối với dịch COVID-19 do WHO đứng đầu sau khi dịch bệnh này được kiểm soát.
Ông nhấn mạnh Trung Quốc "vẫn luôn công khai và minh bạch" về dịch COVID-19, vốn khởi phát từ thành phố Vũ Hán của nước này vào cuối năm 2019, và sẽ ủng hộ cuộc điều tra được tiến hành một cách khách quan và công bằng.
Ông cũng cam kết tài trợ 2 tỷ USD trong hai năm giúp đối phó COVID-19, đồng thời nhấn mạnh bất cứ vắcxin nào được Trung Quốc phát triển ngừa COVID-19 đều sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Hội nghị của Đại Hội đồng y tế thế giới là một cuộc họp thường niên của các quan chức y tế cấp cao chính phủ tại Geneva (Thụy Sĩ).
Sự kiện lần này nhận được nhiều sự chú ý của dư luận trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới đã cướp đi sinh mạng của hơn 310.000 người trên toàn cầu, và khiến gần 4,7 triệu người nhiễm bệnh.
Ngoài ra, căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, vốn đã xấu đi do những tranh chấp thương mại, xung quanh đại dịch COVID-19 được dự báo có thể ảnh hưởng tới việc các nước đưa ra hành động tập thể để đối phó với đại dịch nguy hiểm này.
Bất chấp những căng thẳng trên, các nước vẫn hy vọng sẽ đạt được đồng thuận để thông qua một nghị quyết, được Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo, trong đó kêu gọi phản ứng tập thể chống dịch COVID-19.
EU cũng đề nghị tiến hành một cuộc đánh giá "công bằng, độc lập và toàn diện" về cách ứng phó của WHO đối với dịch COVID-19 để rà soát kinh nghiệm và bài học có được.