Mỹ áp thuế Canada, Mexico và Trung Quốc
Thuế quan - vốn là nguồn gốc gây bất ổn dai dẳng cho thị trường trong những tháng gần đây - sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong tuần này.
Vào thứ Bảy (1/2), Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, cũng như thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhà Trắng cho biết có "kế hoạch tạm thời" để thuế quan có hiệu lực vào thứ Ba (4/2).
Trước đó, Tổng thống Trump đã tuyên bố thời hạn áp thuế là ngày 1/2 để thúc đẩy các quốc gia này triển khai các hành động nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp và fentanyl vào Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng các quốc gia này không thể làm gì nhiều để tránh các khoản thuế quan, điều này có thể làm gián đoạn hàng nghìn tỷ đô la thương mại hàng năm.
Một số nhà kinh tế lập luận rằng động thái này của tổng thống cũng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát ở Mỹ và có khả năng làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong năm nay. Trong khi các quan chức Fed đã áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và xem xét các quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai, viện dẫn triển vọng kinh tế ảm đạm do viễn cảnh thuế quan.
"Đây là một trong những sự kiện địa chính trị lớn mà bạn không thể dự đoán được", Colin Graham, giám đốc chiến lược đa tài sản tại Robeco ở London cho biết.
Giá dầu
Thuế quan bao gồm một khoản miễn trừ cho các sản phẩm năng lượng từ Canada, và hàng hoá này sẽ phải đối mặt với mức thuế 10%.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ, dầu thô chiếm khoảng 25% tổng hàng nhập khẩu từ Canada vào Mỹ, với giá trị khoảng 100 tỷ USD vào năm 2023.
Tổng thống Trump cũng dự kiến sẽ công bố mức thuế quan rộng hơn liên quan đến dầu và khí đốt tự nhiên vào khoảng ngày 18/2.
Cả giá dầu Brent và WTI đều sụt giảm trong tuần qua khi các nhà đầu tư lo ngại rằng chi phí nhiên liệu tăng mạnh sẽ làm giảm hoạt động kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng nói chung.
Dữ liệu kinh tế Mỹ
Báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ được công bố vào thứ Sáu (7/2) sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần này.
Các nhà kinh tế dự báo rằng Mỹ đã tăng thêm 154.000 việc làm vào tháng trước, giảm so với mức tăng đột biến 256.000 vào tháng 12. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán là ở mức 4,1%, tương đương với tốc độ của tháng trước.
Các số liệu sẽ giúp xác định tình trạng nhu cầu lao động vào đầu năm mới và có thể là yếu tố ảnh hưởng đến cách Fed tiếp cận chính sách tiền tệ trong những tháng tới.
Cùng với lạm phát vẫn ở mức trên mục tiêu 2% của Fed, thị trường việc làm mạnh mẽ đã giúp củng cố quyết định của ngân hàng trung ương vào tuần trước là giữ nguyên lãi suất và báo hiệu rằng sẽ không vội vàng hạ lãi suất trong thời gian tới.
Cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Anh (BoE)
BoE sẽ tổ chức cuộc họp thiết lập chính sách mới nhất vào tuần này và dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất và ám chỉ sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm nữa khi nền kinh tế Anh trì trệ.
Các nhà kinh tế dự đoán BoE sẽ cắt giảm lãi suất chuẩn từ 4,75% xuống 4,5% trong cuộc họp chính sách hôm thứ Năm (6/2), khi các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Các nhà phân tích của Bank of America cho biết: "Lạm phát dịch vụ giảm nhanh hơn dự kiến, tăng trưởng yếu và thị trường lao động nới lỏng hỗ trợ cho trường hợp cắt giảm lãi suất".