Báo cáo lợi nhuận của Nvidia
Nhà sản xuất chip Nvidia - chỉ báo cho cơn sốt AI đã thúc đẩy cổ phiếu trong năm nay - sẽ công bố báo cáo KQKD quý III vào thứ Tư (20/11).
Thông tin này có thể là chỉ số đo lường nhu cầu của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu AI và tác động tới tâm lý thị trường chung sau khi đợt tăng giá hậu bầu cử của thị trường đang bị đình trệ.
Chip của Nvidia được xem là tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực AI và cổ phiếu của công ty đã tăng khoảng 200% trong năm nay, vượt qua vốn hoá thị trường của Apple để trở thành công ty có vốn hoá lớn nhất thế giới. Tỷ trọng lớn của Nvidia trong rổ S&P 500 đã giúp chỉ số này đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.
Do đó, báo cáo KQKD sẽ ảnh hưởng tới thị trường chung, làm tăng khả năng biến động ngắn hạn.
Đợt tăng giá của tiền điện tử
Giá Bitcoin đã tăng 30% kể từ cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11, và là lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 90.000 USD trong bối cảnh đợt tăng giá chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử lần đầu tiên đã tăng lên trên 3.000 tỷ USD. Đợt tăng giá lần này được thúc đẩy bởi kỳ vọng về một môi trường quản lý thuận lợi hơn dưới thời chính quyền Trump và với đà tăng trưởng tiếp tục, một số nhà phân tích cho rằng giá Bitcoin vượt ngưỡng 100.000 USD ngày càng có khả năng xảy ra.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết thành lập một quỹ dự trữ chiến lược Bitcoin quốc gia và biến Mỹ thành trung tâm toàn cầu cho ngành công nghiệp này, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ cam kết của ông khả thi đến mức nào và mốc thời gian thực hiện sẽ là bao lâu.
Giá dầu
Giá dầu đã giảm khoảng 2% vào thứ Sáu (15/11), làm tăng thêm mức giảm trong tuần do sự kết hợp giữa lo ngại về nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc và triển vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất chậm hơn.
Trong tuần qua, giá dầu Brent giảm khoảng 4%, trong khi giá dầu WTI giảm khoảng 5%.
Dữ liệu vào tuần qua cho thấy các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã xử lý ít dầu thô hơn vào tháng 10 so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu trong nước chậm lại, làm tăng thêm lo ngại về triển vọng kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Đầu tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung dầu vào năm 2025.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này cũng cho biết rằng ngân hàng trung ương có thể đủ khả năng thận trọng với tốc độ và phạm vi cắt giảm lãi suất trong tương lai, với lý do tăng trưởng kinh tế đang diễn ra, thị trường việc làm vững chắc và lạm phát vượt mục tiêu 2% của Fed.
Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ nhu cầu nhiên liệu.
Dữ liệu lạm phát tại Anh
Anh sẽ công bố dữ liệu CPI tháng 10 vào thứ Tư (20/11), trong đó các nhà kinh tế dự kiến tỷ lệ lạm phát sẽ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng trở lại trên mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Anh (BoE).
Trước đó, CPI tháng 9 chỉ tăng 1,7%, lần đầu tiên tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm xuống dưới mục tiêu của BoE trong hơn ba năm.
BoE đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào đầu tháng này và cho biết các đợt cắt giảm tiếp theo có thể sẽ diễn ra dần dần khi đánh giá tính dai dẳng của áp lực lạm phát, bao gồm cả từ ngân sách đầu tiên của chính phủ mới của Anh.
Quan điểm này có phần diều hâu hơn so với khu vực đồng euro và phù hợp với quan điểm được đưa ra trong tuần qua bởi chủ tịch Fed Jerome Powell.
Anh sẽ công bố dữ liệu bán lẻ tháng 10 vào thứ Sáu (22/11) cùng với dữ liệu PMI của ngành sản xuất và dịch vụ.
“Lạm phát dịch vụ có khả năng sẽ giảm dần từ thời điểm này và hỗ trợ cho lập luận BoE sẽ hành động chậm lại. Chúng tôi cho rằng BoE sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng 12 trước khi cắt giảm lãi suất theo tốc độ hàng quý vào năm 2025”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.