Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nỗi lo về nền kinh tế sẽ vẫn là mối quan tâm hàng đầu trong bối cảnh lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã giữ lãi suất ở mức cao quá lâu và gây tổn hại đến tăng trưởng.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Dữ liệu kinh tế Mỹ

Sau báo cáo việc làm yếu kém của tháng 7 làm dấy lên nỗi lo về viễn cảnh suy thoái, dữ liệu kinh tế của Mỹ trong tuần này nhẹ nhàng hơn đáng kể.

Viện Quản lý Cung ứng (ISM) sẽ công bố chỉ số sản xuất ngành dịch vụ vào thứ Hai (5/8), dự kiến ​​sẽ chỉ ra mức tăng trưởng khiêm tốn.

Các nhà đầu tư cũng sẽ nhận được thông tin cập nhật mới về tình hình thị trường lao động vào thứ Năm (8/8), với báo cáo hàng tuần về các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu dự kiến ​​sẽ giảm nhẹ so với mức cao nhất trong gần một năm.

Số lượng các quan chức Fed xuất hiện cũng rất ít sau khi ngân hàng trung ương quyết định giữ nguyên lãi suất vào tuần trước, nhưng vẫn để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Triển vọng kinh tế của Trung Quốc

Các nhà đầu tư sẽ nhận được thông tin cập nhật về quá trình phục hồi kinh tế ở Trung Quốc đang diễn ra như thế nào trong nửa cuối năm với một loạt các báo cáo phát hành về dữ liệu kinh tế trong tuần này.

Dữ liệu gần đây chỉ ra triển vọng ảm đạm cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và việc cắt giảm lãi suất bất ngờ gần đây phản ánh cảm giác cấp bách ngày càng tăng trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc.

Các quan chức sẽ đặc biệt chú ý đến số liệu lạm phát được công bố vào thứ Sáu (9/8) để tìm manh mối về mức độ cần phải làm thêm để thúc đẩy nhu cầu trong nước ảm đạm.

Các nhà kinh tế của Citi đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống còn 4,8% từ 5%, trong khi UBS hiện thấy một số rủi ro suy giảm đối với dự báo tăng trưởng 4,9%.

“Xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng nhanh hơn vào tháng 7, nhờ vào sự so sánh thuận lợi với số liệu yếu kém của năm trước, nhưng sẽ không đủ để thúc đẩy tăng trưởng GDP nhanh hơn. Cho đến nay, quý III có vẻ sẽ lặp lại mô hình của quý trước, khi chi tiêu trong nước yếu vượt xa mức tăng xuất khẩu. Để tăng trưởng chung đạt được mục tiêu chính thức là 5% vào năm 2024, cần có thêm nhiều biện pháp kích thích hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Cuộc họp chính sách tiền tệ

Ngân hàng trung Dự trữ Úc (RBA) dự kiến ​​sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào Thứ Ba (6/8) sau khi dữ liệu tháng trước cho thấy lạm phát cơ bản bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào quý II và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý I. Thị trường sẽ tập trung vào hướng dẫn trước của các ngân hàng trung ương với thị trường định giá 70% khả năng lãi suất sẽ giảm vào cuối năm nếu lạm phát tiếp tục chậm lại.

Hôm thứ Năm (8/8), Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) dự kiến cũng sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 6,5% trong khi điều chỉnh ngôn từ để truyền tải thái độ trung lập thay vì giữ nguyên quan điểm cứng rắn, vì ngày càng có nhiều quan chức lo lắng về triển vọng tăng trưởng.

Giá dầu

Dữ liệu kinh tế yếu kém từ Mỹ và nước nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu.

Báo cáo việc làm yếu kém của Mỹ cùng với hoạt động sản xuất suy yếu ở Trung Quốc đã đẩy giá dầu xuống thấp hơn do rủi ro rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm chạp sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu thụ dầu.

Các nhà đầu tư dầu mỏ cũng đang theo dõi xung đột đang leo thang Trung Đông, nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn cho biết xung đột của họ với Israel đã bước vào giai đoạn mới.

Trong cuộc cuộc họp trực tuyến hôm 1/8, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng dầu, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ một phần cắt giảm sản lượng kể từ tháng 10.

Trong một tuyên bố, OPEC+ cho biết các quốc gia thành viên thực hiện các đợt cắt giảm sản lượng đó "đã nhắc lại rằng việc dần dần loại bỏ việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện có thể bị tạm dừng hoặc đảo ngược, tùy thuộc vào điều kiện thị trường hiện tại".

Cuộc họp cũng ghi nhận những đảm bảo từ Iraq, Kazakhstan và Nga về việc đạt được sự tuân thủ hoàn toàn với các cam kết cắt giảm sản lượng. Các quốc gia đó trước đó đã đưa ra các kế hoạch để bù đắp cho tình trạng sản xuất quá mức trong quá khứ.

Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ được tổ chức vào ngày 2/10.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục